Tình cảnh đáng thương của bé trai bị hoại tử ngón tay do rắn hổ mang cắn

Lê Thạch, icon
08:13 ngày 11/03/2019

VTV.vn - Trong khi cùng bố ra đồng móc cua, bé trai 12 tuổi ở Nghệ An bị rắn hổ mang cắn vào tay.

Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Sỹ Quang Huy (sinh năm 2007, trú tại Đô Lương, Nghệ An) trong tình trạng một cánh tay bị sưng nề do bị rắn hổ mang cắn khi đang đi móc cua cùng với bố.

Trước đó, vào tối 1/3, bệnh nhi cùng bố ra cánh đồng gần nhà để bắt cua. Khi đang đi trên bờ ruộng, bệnh nhi bất ngờ bị con rắn hổ mang tấn công, cắn vào ngón tay.

Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhi được tiến hành điều trị tích cực. Đến nay, bệnh nhi đã hết sốt, toàn bộ cánh tay giảm sưng nề nhưng vùng bị rắn cắn ở ngón tay cái đã bị hoại tử. Các chỉ số xét nghiệm nhiễm trùng giảm nhiều, chỉ số về tiêu cơ giảm, không có rối loạn về đông máu.

Hiện tại, bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Bỏng Quốc gia để tiếp tục điều trị.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bệnh nhi rất khó khăn. Mẹ mất sớm, một mình bố chăm sóc hai con, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào công việc đồng áng.

Với người bị rắn cắn cần bình tĩnh xem xét triệu chứng tại chỗ như: dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn...

Nếu là rắn thường (rắn không độc) như: trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn lục cườm... không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.

Nếu là rắn độc sẽ có hai tuyến nọc và hai răng độc, do đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn. Rắn độc cắn thường có 2 dấu răng nhưng đôi khi cũng chỉ có một dấu răng hoặc 3, 4 dấu răng, do đó nên khám xét kỹ, tránh bỏ sót.

Ngoài ra, người bị rắn cắn cũng có thể dựa vào triệu chứng toàn thân để phân biệt có phải rắn độc cắn hay không.

Rắn không độc cắn: Phản ứng tại chỗ nhẹ, phản ứng toàn thân không có. Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): Nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu...

Nếu bị nhóm rắn lục cắn, việc cần làm là giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Do đó, không cần ga rô, không rạch rộng, không hút máu. Lý do là ga rô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nếu nạn nhân bị nhóm rắn hổ cắn, thời gian bị cắn đến tử vong nhanh nhất khoảng 90 phút, còn các loài rắn khác chậm hơn. Do đó, cần phải chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức trước thời gian đó. Tránh đi loanh quanh ở những nơi không có điều kiện cấp cứu hồi sức và không có kháng huyết thanh đặc hiệu mà bỏ lỡ cơ hội cứu sống nạn nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục