Lạng Sơn: Gia tăng bệnh nhân bị rắn độc cắn

Lê Thạch, icon
09:34 ngày 27/09/2018

VTV.vn - Từ đầu tháng 8 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận và điều trị cho 19 trường hợp bị rắn cắn.

Bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn vào tay.

Trước đây, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 3 - 5 bệnh nhân. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, số bệnh nhân vào viện do bị rắn cắn tăng đột biến. Trong đó, liên tiếp xuất hiện các trường hợp bị rắn hổ mang cắn.

Theo các bác sĩ, thời tiết cuối hè, mưa ẩm là thời điểm loài rắn vào mùa sinh sản và kiếm ăn. Vì vậy, người dân cần cảnh giác và đề phòng rắn cắn khi đi vào những nơi rậm rạp, nhất là vào ban đêm.

Để phòng tránh rắn cắn nên áp dụng các biện pháp sau:

- Khi làm vườn hay đi rừng, nên đi ủng, dày cao cổ, mặc quần áo dài, đội mũ và soi đèn pin khi trời tối.

- Thường xuyên dọn dẹp nơi ở, phát quang cây cối, bụi rậm xung quanh nhà để rắn không có nơi ẩn nấp.

- Khi ngủ cần đóng kín cửa, không nằm ngủ trên nền đất. Hạn chế đến gần khu vực có nhiều cỏ rậm, đống gạch, bãi rác,…

- Không cố gắng bắt hoặc giết rắn.

Khi bị rắn cắn, cần sơ cứu kịp thời và đúng cách:

- Không để nạn nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn)

- Áp dụng biện pháp băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Không trích, rạch, chọc tại vùng vết cắn làm tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, gây nhiễm trùng nặng thêm.

- Không tự ý áp dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo.

- Khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục