Trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp trong giai đoạn giao mùa

Thanh Nga, icon
06:00 ngày 22/10/2024

VTV.vn - Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang vào thời điểm giao mùa, là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Hình minh họa. Ảnh: Quang Nhật

Hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu, chưa kịp thích nghi với sự thay đổi thời tiết, cộng thêm sự xâm nhập và tấn công của "tổ hợp" tác nhân gây bệnh khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 10 triệu trẻ em tử vong do các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên như cúm, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm nhất thế giới, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao. 

Trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh viêm đường hô hấp từ 4-6 lần trong một năm, nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa. Trong khi đó, nhiều bố mẹ chủ quan cho rằng các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi… ở trẻ chỉ là triệu chứng bệnh thông thường nên chỉ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, hơn 25% các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển sang viêm phổi cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác, đe dọa tính mạng trẻ.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết giao mùa vào các tháng cuối năm, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thực hiện lịch tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ theo khuyến nghị của WHO

Trẻ nhỏ, nhất là những trẻ đang ở giai đoạn đầu đời với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng kém, kháng thể thụ động nhận được từ mẹ trong quá trình mang thai bị suy giảm và dần mất đi, khiến trẻ đối diện với nguy cơ rất cao tiếp xúc với nhiều tác nhân gây hại và mắc các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Khi mắc bệnh, trẻ có nguy cơ cao gặp biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe và kìm hãm tương lai phát triển của trẻ.

Do đó, trẻ cần được tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến nghị của Bộ Y tế; đồng thời, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ tầm quan trọng của vaccine đối với sức khỏe, từ đó chủ động hỗ trợ trẻ được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine quan trọng.

Chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng theo khuyến nghị giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với trẻ nhỏ, trẻ 0-6 tháng tuổi nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn để có khả năng phòng chống bệnh, phát triển toàn diện nhất. Nếu không có điều kiện, mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa ít nhất trong 2-3 tháng đầu để củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.

Giữ vệ sinh nhà ở, vệ sinh cá nhân

Thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, chăn gối, đồ chơi của trẻ, hạn chế các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay và vệ sinh răng miệng đúng cách, ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Người chăm sóc trẻ và trẻ cần thường xuyên rửa tay. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc các bệnh lý hô hấp. Nếu trẻ có triệu chứng mắc bệnh hô hấp, hãy đeo khẩu trang cho trẻ và hạn chế đến nơi đông người.

Hướng dẫn trẻ không chạm tay vào mắt, mũi và miệng của mình, trẻ sử dụng khăn giấy sạch hoặc ít nhất nếu không có khăn giấy trẻ có thể sử dụng ống tay áo sạch để chấm vào mắt cay, ngứa mũi và che mũi miệng khi ho, hắt hơi. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, điện thoại, khăn, cốc và các đồ dùng của trẻ.

Tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao.

Cho trẻ ra ngoài vận động hợp lý. Thời điểm lí tưởng cho trẻ ra ngoài vận động và đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa Đông là vào khoảng 8h tới 9h30 và buổi chiều từ 15h tới 17h.

Tắm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h tới 10h30' hoặc từ 15h tới 16h. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa Đông là từ 33 độ C đến 36 độ C. Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, nếu cần thiết chuẩn bị thêm quạt sưởi và chỉ tắm tối đa trong thời gian từ 5-7 phút để tránh cảm lạnh.

Điều trị bệnh đúng cách

Khi trẻ có những dấu hiệu bệnh, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và hướng dẫn điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn, đe dọa tính mạng của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục