Vaccine mới dùng trong TCMR sẽ được thí điểm tại hơn 11.000 điểm tiêm chủng

Minh Đức, icon
05:37 ngày 07/05/2018

VTV.vn - Vaccine Combe Five do Ấn Độ sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017 được dùng để thay thế cho vaccine Quinvaxem, có tác dụng phòng 5 loại bệnh.

Vào đầu năm 2018, Bộ Y tế cho biết sẽ đưa một số loại vaccine mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine Combe Five do Ấn Độ sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017 và có giá trị trong vòng 5 năm. Loại vaccine này được dùng để thay thế cho vaccine Quinvaxem do nhà sản xuất Berna Biotech Hàn Quốc đã ngừng sản xuất loại vaccine này.

PSG.TS Trần Đắc Phu cho biết, vaccine mới có thành phần tương tự như Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vaccine Combe Five cũng đạt tiêu chuẩn thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được sử dụng trên 400 triệu liều tại 43 quốc gia. Riêng tại Ấn Độ, vaccine này đã được sử dụng trên 5 năm. Đã có 130 triệu liều được sử dụng cho chương trình Tiêm chủng mở rộng và hơn 1 triệu liều cho tiêm chủng dịch vụ từ năm 2011 đến nay tại Ấn Độ, tất cả đều an toàn.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, vaccine Combe Five sẽ được thí điểm tại 4 tỉnh gồm: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp với hơn 11.000 điểm tiêm chủng. Cũng theo khuyến cáo của Chuyên gia y tế dự phòng, nếu trẻ nào đã được ngừa các bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) bằng 1 - 2 mũi Quinvaxem rồi thì vẫn có thể tiêm tiếp Combe Five cho đủ liều mà không cần phải tiêm lại từ đầu. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải nhớ chích đủ 3 mũi cơ bản, chích trước 6 tháng tuổi là mũi 5 trong 1 Quinvaxem hay Combi Five để đảm bảo có kháng thể cho trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, vaccine luôn có một tỉ lệ nhất định về tai biến nhưng luôn được giám sát ở tỉ lệ cho phép trước khi nghiên cứu, sau khi đưa ra luôn được khuyến cáo rõ ràng, nếu tỉ lệ phản ứng sau tiêm vượt qua ngưỡng cho phép thì chắc chắn sẽ bị bãi bỏ. Ngoài ra, dụng cụ tiêm phải đảm bảo an toàn vì quá trình đưa thuốc vào dưới da của trẻ em cũng rất quan trọng. Nếu lỗi tiêm chủng xảy ra khi không làm đúng quy định khuyến cáo của quy trình tiêm chủng có thể gây nên các sự cố nghiêm trọng.

Các bác sĩ cũng cho biết, hiện nay khuynh hướng chuyển qua tiêm vaccine nhiều hơn dùng vaccine đường uống. Lý do là bởi khi trẻ uống thuốc xong không may nôn ra thì các bậc phụ huynh sẽ không biết rõ liệu thuốc có tác dụng không. Trong khi việc tiêm sẽ đảm bảo thuốc vào được cơ thể trẻ đủ liều lượng.

Nếu sau khi tiêm xong, vết tiêm có dấu hiệu sưng tấy thì các bậc phụ huynh cũng không nên tự mình nghĩ cách xử lý. Tốt nhất là sau 24 giờ đầu chỉ chườm mát cho trẻ, không để đá lạnh chườm trực tiếp mà cách qua một lớp vải để tránh bỏng lạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục