Vai trò của gia đình trong can thiệp điều trị trẻ tự kỷ

Kim Oanh, icon
06:35 ngày 21/10/2023

VTV.vn - Trong điều trị cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, việc trẻ tự kỷ có tiến bộ hay không phần lớn phụ thuộc vào cách chăm sóc của gia đình.

Ba mẹ luôn ở bên con và dành thời gian dạy con, có sự quan tâm đặc biệt của mình để giúp con chiến thắng tự kỷ. (Ảnh: Đình Thi)

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã khám và điều trị cho hơn gần 70 trường hợp trẻ tự kỷ. Trong số đó có khoảng 20% trẻ chưa được phát hiện, chữa trị sớm nên gặp khó khăn hơn trong quan hệ giao tiếp, xã hội, kết bạn. Còn lại, 80% trẻ được kiểm tra, phát hiện và can thiệp sớm thì sự phát triển của trẻ vẫn có thể diễn ra tương đối bình thường, trẻ có thể hòa nhập được với cộng đồng xã hội.

Chính vì vậy, gia đình là nhân tố rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hàng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ và kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh. Gia đình là nơi hiểu trẻ nhất, đặc biệt là những nhu cầu riêng biệt của trẻ. Những thành viên trong gia đình chính là người đầu tiên có thể tạo cơ hội giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội, là hình mẫu cho trẻ về cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.

Bác sĩ Phan Thị Hồng Hạnh - Chuyên viên âm hưởng trị liệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh… Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp.

Việc cha mẹ nắm vững các kỹ năng cơ bản để dạy trẻ tự kỷ tại nhà không chỉ giúp các cán bộ y tế thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình can thiệp như: Chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi ít nhất 3 giờ/ngày; cho trẻ đếp lớp, hạn chế xem tivi; dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh; dạy cử chỉ giao tiếp: chào, ạ, xin, bắt tay, hoan hô… 

Dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác. Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần; sai trẻ làm việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh; vận động tinh như: xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán; vận động thô như: đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng...

Đừng mặc cảm, không chủ quan, không bỏ rơi trẻ. Và cũng đừng để cho ai kỳ thị trẻ. Ba mẹ hãy kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, luôn ở bên con và dành thời gian dạy con, có sự quan tâm đặc biệt của mình để giúp con chiến thắng tự kỷ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục