Vì sao khó cai nghiện thuốc lá?

VCS, icon
04:15 ngày 29/07/2013

Thuốc lá có ảnh hưởng vô cùng xấu đối với sức khỏe con người, đặc biệt gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Nhiều người đã cố gắng cai nghiện thuốc lá, nhưng không thành công, nguyên nhân do đâu?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia đứng đầu thế giới về số người hút thuốc lá. Nhiều ghi nhận gần đây về số người hút thuốc lá ở nam giới cho thấy, trung bình cứ 2 người thì có một người hút thuốc lá. Hút thuốc lá tại Việt Nam từ lâu đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm. Điều đáng nói là việc tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả khi tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn luôn duy trì ở mức cao.

Hơn ai hết, người hút thuốc lá biết rõ tác hại của thuốc lá mang lại đối với bản thân. Tuy nhiên, đã có người vì muốn giữ gìn sức khỏe đã tiến hành cai nghiện thuốc lá nhưng rất ít người thành công. Rất nhiều người trong cuộc mới hiểu thấu được những khó chịu khi cai thuốc lá. Vậy vì sao thuốc lá lại gây nghiện tới mức khó bỏ tới như vậy?

Trong 1 điếu thuốc lá, có hơn 7000 chất độc, cho đến nay giới chuyên môn đã xác định có đến 25 bệnh lý liên quan đến việc hút thuốc lá trong đó phải kể đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, tắc động mạch chi dưới…

Ông Cao Long Châu, Phường 13, quận 5, TP.HCM cho biết: “Khi tôi cai thuốc lá, tôi cảm thấy rất thèm, cảm thấy huyết áp lên, cảm thấy miệng rất nhạt và thèm đủ thứ”.

Theo nghiên cứu, chính chất nicotine khiến người hút bị nghiện, rồi dần dần bị lệ thuộc vào thuốc lá. Chỉ 7 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine đã có tác dụng hưng phấn lên vỏ não, sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, có nghĩa lượng nicotine dần bị thiếu hụt, lúc này, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá, buộc người nghiện hút điếu tiếp theo để cung cấp nicotine trở lại.

‘ Chất gây nghiện nicotine trong thuốc lá khiến não bộ hưng phấn, là nguyên nhân chính khiến người nghiện thuốc lá mặc dù muốn cai nghiện nhưng rất khó. (Ảnh minh họa)

Ngoài cơ chế gây nghiện, ngày nay, giới chuyên môn đã có thêm nhiều bằng chứng khoa học để xác định nghiện thuốc lá cũng là một bệnh, chứ không chỉ đơn thuần là một thói quen.

Ths. Bs Lê Khắc Bảo, Giảng viên ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Chứng cứ đầu tiên phải kể ra là người nghiện thuốc lá, nghiện nicotine đã có mã số bệnh tật rõ ràng. Mã số phân loại bệnh tật của người nghiện thuốc lá là F.17. Thứ hai, trong nghiện thuốc lá có cơ chế gây nghiện một cách rõ ràng, sự tiếp xúc của cơ thể đối với nicotine dần dần làm cho các tế bào thần kinh quen với chất nicotine này.

Nếu không có nicotine, hoạt động của não bộ sẽ bị cản trở rất nhiều, người hút thuốc lá buộc lòng phải hút mãi để cung cấp cho cơ thể chất nicotine cần thiết đó. Như vậy, nghiện thuốc lá đã thành một bệnh mà không phải là thói quen. Do thói quen thì dùng ý chí có thể bỏ được, nhưng đối với nghiện thuốc lá lại cần đến sự hỗ trợ của thuốc mới thành công”.

Chính vì tác dụng kích thích nhanh mạnh, gây hưng phấn tức thời mà nicotine sẽ khiến người hút nghiện thuốc lá từ trung bình đến nặng và một khi nghiện thì rất khó bỏ. Theo nhiều so sánh, nghiện nicotine cũng khó từ bỏ không thua kém nghiện Heroin. Giới chuyên khoa cũng cho biết, nghiện thuốc lá bao gồm nghiện thực thể và nghiện hành vi. Nghiện thực thể là nghiện chất nicotin trong thuốc lá, còn nghiện hành vi là nghiện động tác cầm điếu thuốc lá mà nhiều người hay gọi là thói quen.

‘ Nghiện thực thể và nghiện hành vi, khiến người nghiện thuốc lá khó bỏ được thuốc. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Chuyên khoa Hô hấp cho biết: “Nghiện hành vi và nghiện thực thể thường đi chung với nhau, thường không tách biệt được quãng thời gian rõ ràng. Người nghiện thuốc lá có thể xuất hiện nghiện hành vi sớm hơn nghiện thực thể. Ví dụ, khi một người uống cà phê kèm theo hút thuốc lá, thì sau 7 tháng họ sẽ nghiện hành vi đó, mỗi lần nâng ly cà phê lên là họ phải hút thuốc lá".

Nhiều người hút thuốc lá vừa để thoải mãn cơn thèm thuốc, nhưng đồng thời đó cũng là hành động hấp thu nhiều chất độc và cơ thể. Những chất độc này chủ yếu gây hại thông qua khói thuốc lá. Giới chuyên môn đã phân thành 4 loại luồng khói cũng như mức độ độc hại của chúng: Thứ nhất là luồng khói hút vào miệng; thứ hai là luồng khói nằm ở đầu điếu thuốc lá và thải ra môi trường; thứ ba là luồng khói được người hút thải ra sau khi hít luồng khói thứ nhất; thứ tư là luồng khói ở lại môi trường.

Để tìm hiểu thêm về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và để cai nghiện thuốc lá thành công, mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết chương trình “Vì cuộc sống: Để cai nghiện thuốc lá thành công” tại đây.

Cùng chuyên mục