Virus SARS-CoV-2 đột biến nhạy cảm hơn với vaccine

Nhật Anh, icon
04:21 ngày 16/11/2020

VTV.vn - Virus SARS-CoV-2 đột biến không chỉ khiến tốc độ lây lan nhanh hơn, mà còn khiến virus nhạy cảm hơn với vaccine - một nghiên cứu mới của Mỹ cho biết.

(Hình: CNN)

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Bắc Carolina (UNC) và Đại học Wisconsin-Madison được đăng trên Science Daily, biến chủng mới của SARS-CoV-2 nhạy cảm hơn với vaccine, có nghĩa là sự đột biến của virus sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine COVID-19 đang được phát triển.

Biến chủng mới được gọi là D614G đã xuất hiện ở châu Âu và hiện đã trở nên phổ biến nhất trên thế giới. Nghiên cứu trên chuột đồng cho thấy: Chủng D614G lây lan nhanh hơn không liên quan đến bệnh nặng hơn và chủng này nhạy cảm hơn một chút với sự trung hòa của thuốc kháng thể.

Theo Giáo sư dịch tễ học Ralph Baric thuộc UNC, virus D614G loại bỏ và phát triển mạnh hơn chủng nguyên bản khoảng 10 lần và sao chép cực kỳ hiệu quả trong các tế bào chính. Đây là một vị trí quan trọng có khả năng lây truyền từ người sang người. Vị trí này cho phép virus lây nhiễm vào các tế bào hiệu quả hơn nhưng đồng thời cũng tạo ra một con đường khiến virus dễ bị tổn thương hơn.

Nhóm nghiên cứu cho biết: Virus đột biến lây truyền trong không khí nhanh hơn virus nguyên bản. Tuy nhiên, khi chuột đồng mắc bệnh thì chúng có cùng lượng virus và triệu chứng. Điều này chứng tỏ virus đột biến không khiến bệnh nặng hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo: Kết quả nghiên cứu trên động vật có thể không đúng trong các nghiên cứu trên người và các chủng biến thể của virus liên tục xuất hiện. Cần phải tiếp tục theo dõi và hiểu rõ hậu quả của những chủng đột biến mới của virus SARS-CoV-2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục