Ở một số nội dung có VĐV là nhà VĐTG, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn để hụt HCV.
Trung Quốc với đội ngũ VĐV hùng hậu, trong đó có nhiều kỷ lục gia của châu Á, Á vận hội hay thậm chí là cả thế giới, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu BXH sau vài ngày thi đấu và tạo ra khoảng cách không thể san lấp với các đối thủ tiếp theo.
Ở một số môn thế mạnh như bơi tạo hình, nhảy cầu, thể dục dụng cụ, bóng bàn… quốc gia láng giềng của Việt Nam này gần như thâu tóm toàn bộ số huy chương.
Dẫu vậy, so với ASIAD 16, đoàn Trung Quốc đã có sự sụt giảm nghiêm trọng về số huy chương vàng giành được khi chỉ vừa vượt qua cột mốc 150 HCV ở ngày thi đấu cuối cùng tại ASIAD 17. Thành tích này kém khá xa so với con số 199 HCV tại kỳ Á vận hội thứ 16 được tổ chức tại quê nhà. Đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy trình độ thể thao châu lục đang ngày một xích lại gần nhau hơn.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không thực sự được coi là cuộc so tài cân sức khi nước chủ nhà có quá nhiều nội dung thế mạnh ở ASIAD như đua ngựa, đấu kiếm, bắn súng, tennis bóng mềm hay bowling… và tận dụng khai thác khá tốt những “mỏ” huy chương này. Đoàn thể thao xứ Phù Tang chỉ có thể duy trì được sự bám đuổi với Hàn Quốc cho tới ngày thi đấu thứ tám (26/9) trước khi đoàn chủ nhà có sự bứt phá trên BXH huy chương bằng những thành tích tốt ở môn bắn cung và đua xe đạp.
Điểm sáng ấn tượng nhất của thể thao Nhật Bản tại ASIAD 17 lần này chính là VĐV bơi lội trẻ tuổi – Hagino Kosuke. “Kình ngư” 20 tuổi chính là VĐV sở hữu thành tích cá nhân - giành được nhiều huy chương nhất Á vận hội Incheon 2014 với tổng cộng 7 huy chương gồm: 4 HCV ở các nội dung 200m, 400m hỗn hợp cá nhân nam, 200m tự do cá nhân nam, bơi tiếp sức 4x200m; 1 HCB 400m tự do và 2 HCĐ ở các nội dung 100m và 200m bơi ngửa.
Đáng chú ý nhất là tấm HCV ở nội dung 200m tự do khi Hagino đánh bại nhà ĐKVĐ thế giới, kỷ lục gia châu Á – Sun Yang ( Trung Quốc) và kỷ lục gia Á vận hội 2010 – Park Tae-hwan (Hàn Quốc) để bước lên bục nhận giải cao nhất.
Với những thành tích này, Hagino Kosuke được vinh danh là VĐV xuất sắc nhất tại ASIAD 17 do nhà tài trợ chính của giải đấu bầu chọn.
Tại ASIAD 17 lần này, đoàn thể thao Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu đề ra là giành từ 2-3 tấm HCV khi chỉ duy nhất một lần bước lên bục nhận giải cao nhất là trường hợp của "hoa khôi Wushu" Dương Thúy Vi. So với ASIAD 16, thể thao Việt Nam có nhiều hơn về tổng số huy chương, tuy nhiên, ở ASIAD 17, chúng ta lại có sự sụt giảm về số HCB (10 so với 17) nhưng tăng về số HCĐ (25 so với 15). Thành tích này chỉ giúp đoàn TTVN xếp thứ 21/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài tại Á vận hội lần thứ 17 - Incheon 2014, cải thiện 3 bậc so với ASIAD Quảng Châu 2010.
BXH huy chương ASIAD 17: