Thủ tướng yêu cầu "tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới"

Đăng Học-Thứ tư, ngày 01/01/2014 00:54 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: VGP)

Sáng nay (31/12), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch năm 2014.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị bên cạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, ngành nông nghiệp cần tập trung cho nhiệm vụ cấp bách và hết sức chiến lược là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ kết quả năm 2013, ngành nông nghiệp xác định mục tiêu năm tới là xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,6 đến 3%, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 28,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân và khuyến khích đầu tư vào địa bàn nông thôn. Theo Báo cáo thì năm 2013, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và mức tăng trưởng đạt 2,67%, thấp hơn mức tăng của năm trước và cho thấy dấu hiệu tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chậm lại. Những hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp đã từng bước bộc lộ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Sự hình thành và phát triển của phương thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp còn chậm. Đây chính là vấn đề lớn và hệ trọng nhất của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay và đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải thay đổi, phải tái cơ cấu với một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực và kết quả phát triển của ngành nông nghiệp, khẳng định sự đóng góp quan trọng của ngành trong vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đã đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu của ngành vốn đang cản trở nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Hệ quả của nó không chỉ là tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chậm lại qua từng năm mà còn là một nền nông nghiệp năng suất, giá trị thấp, thu nhập của người nông dân ngày một kém đi, chuyển dịch lao động khỏi lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự đang là một đòi hỏi cấp bách.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nếu xét sự thành công của Chương trình nông thôn mới ở tiêu chí quan trọng nhất là sản xuất và thu nhập thì chắc chắn xây dựng nông thôn mới không thành công nếu không tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Ngược lại tái cơ cấu nông nghiệp sẽ khó thực hiện được nếu tách rời xây dựng nông thôn mới.

Để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả tất cả các giải pháp, song 2 giải pháp mang tính quyết định chính là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, hay nói cách khác là áp dụng phương thức sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới phù hợp với sự thay đổi của lực lượng sản xuất mà hiện đã phát triển với tính chất và trình độ mới, cao hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới thì phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể. Theo đó, việc khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hay hình thành chuỗi giá trị phải gắn kết chặt chẽ với người nông dân đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới có kết quả, ngành nông nghiệp phải thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, trong đó chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động; tập trung và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nhằm thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; có cơ chế, chính sách hiệu quả để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường và chủ động phòng chống thiên tai.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ngành nông nghiệp phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, mà trước hết là công tác xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý của ngành, trong đó có nhiệm vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước