Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ

Tuấn Trung - Thành Duy-Thứ hai, ngày 15/09/2014 10:17 GMT+7

Phát biểu trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee khẳng định đường hướng nhất quán của giới lãnh đạo Ấn Độ: Việt Nam là rường cột trong chính sách hướng Đông. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã nhiều lần nhấn mạnh: Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của nước này.

Thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác đa phương giữa Ấn Độ với ASEAN là một trong những kênh quan trọng để cụ thể hóa chính sách hướng Đông của nước này. Vậy chính sách hướng Đông của Ấn Độ là như thế nào và vì sao Việt Nam lại giữ vị trí quan trọng trong chính sách này.

Được bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước, chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ được cho là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị của nước này với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó khu vực Đông Nam Á với vai trò tích cực và trung tâm của Hiệp hội ASEAN, giữ vị trí cốt lõi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao: “Chính sách hướng Đông của Ấn Độ xuất phát từ nguyên nhân khu vực Đông Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế cũng như vai trò địa chiến lược của khu vực này ngày một nâng cao trong bối cảnh chiến lược toàn cầu. Ấn Độ Dương nối với Thái Bình Dương qua các tuyến đường hàng hải rất quan trọng của Ấn Độ nên sự thông nhau giữa hai đại dương này ngày càng quan trọng”.

Có thể thấy, sau hai thập kỷ hướng Đông và cũng là hai thập kỷ thiết lập quan hệ với ASEAN, hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN đã phát triển với tốc độ nhanh chóng từ quan hệ đối thoại theo ngành sang đối thoại toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược.

Tiến sĩ V.S.Seshadri, Phó Chủ tịch, Hệ thống Nghiên cứu và Thông tin cho các nước đang phát triển - RIS phân tích: “Chính sách hướng Đông của Ấn Độ đã có được hơn 2 thập kỷ bắt đầu từ năm 1991, nhằm thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng. Trong thập kỷ đầu tiên, Ấn Độ và ASEAN đã thiết lập được quan hệ đối thoại chuyên ngành sang đối thoại toàn diện, sau đó là các cuộc hội đàm cấp cao kể từ năm 2002. 20 năm chính sách hướng Đông, chúng ta cũng kỷ niệm 20 năm quan hệ Ấn Độ - ASEAN và chính thức tiến đến quan hệ đối tác chiến lược năm 2012. Có thể thấy, từng bước Ấn Độ và ASEAN đã tiến đến quan hệ gần gũi hơn với các bước đi như ký kết mậu dịch tự do về hàng hóa, dịch vụ và đang hướng tới Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEPD”.

Không chỉ thúc đẩy quan hệ với toàn khối ASEAN, để triển khai hiệu quả chính sách hướng Đông, Ấn Độ cũng cần thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên của ASEAN, trong đó Việt Nam được nhìn nhận như một trụ cột quan trọng, bởi những tương đồng về lịch sử, văn hóa cũng như di sản quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và niềm tin chiến lược được dày công vun đắp giữa hai nước.

Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao nói: “Giữa Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ chính trị truyền thống gần gũi nhất so với đa số các nước ASEAN còn lại. Chính quan hệ song phương truyền thống là di sản cũng như tiềm năng để gắn kết giữa Ấn Độ và khu vực này. Và như vậy, Ấn Độ đã có cả kênh đa phương cũng như kênh song phương để thiết lập và thúc đẩy chính sách hướng Đông một cách toàn diện”.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ rõ ràng không chỉ mang lại thịnh vượng cho nhân dân hai nước, mà còn thiết thực phục vụ lợi ích chiến lược của mỗi bên trong góp phần nâng cao vai trò, mở rộng cơ hội cùng hợp tác, phát triển trong khu vực.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước