Tại Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, khủng bố đã không còn là điều mới mẻ. Sau các vụ tấn công ở khách sạn J.W. Marriott và Ritz-Carlton năm 2009, Indonesia đã có 6 năm tương đối yên bình. Tuy nhiên, loạt vụ tấn công tại thủ đô Jakarta ngày 14/1 vừa qua đã báo hiệu hiểm họa khủng bố đang trỗi dậy tại quốc gia này.
Mặc dù có thể vẫn chưa bài bản và chưa chuyên nghiệp, nhưng chuỗi các vụ tấn công khủng bố tại Jakarta đã cho thấy sự xuất hiện của một thế hệ mới gồm những kẻ cực đoan tại Indonesia lấy cảm hứng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong bối cảnh mới này, Indonesia đã có nhiều sự thay đổi trong chiến lược chống khủng bố của mình.
Cụ thể, trong tình trạng báo động trước sự gia tăng của các phần tử Hồi giáo cực đoan, ngày 29/2 vừa qua, Indonesia đã quyết định tăng ngân sách dành cho những địa phương có cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số trên khắp cả nước nhằm xóa đói, giảm nghèo và chống tư tưởng cực đoan. Theo đó, Chính phủ Indonesia đã tăng hơn gấp đôi phân bổ ngân sách dành cho quỹ nông thôn trong năm nay, lên tới 47.000 tỷ Rupiah, tương đương khoảng 3,51 tỷ USD. Số tiền này sẽ được chuyển trực tiếp tới những ngôi làng nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Indonesia hy vọng ngân sách dành cho quỹ nông thôn sẽ lên tới khoảng 350.000 tỷ Rupiah, tương đương khoảng 26 tỷ USD, vào năm 2019. Chính phủ Indonesia tin rằng cần phải chống khủng bố từ gốc rễ thông qua việc giảm bất bình đẳng và nghèo đói.
Hơn 10 năm qua, Indonesia đã triển khai chiến dịch truy quét gắt gao nhằm vào các tổ chức khủng bố. Nhiều thủ lĩnh khủng bố đã bị bắt giữ hoặc bị tiêu diệt. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tư tưởng cực đoan truyền bá qua Internet và mạng xã hội vẫn là vấn đề nan giải tại Indonesia.
Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Vấn đề hôm nay đã liên lạc với ông Hoàng Anh Tuấn - Đại sứ Việt Nam tại Indonesia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.