Việt Nam có ba miền rõ rệt Bắc, Trung, Nam với nét ẩm thực riêng từng vùng. Đất nước chúng ta có đa dạng các loại thổ nhưỡng vì thế mà nguyên liệu chế biến các món ăn hết sức phong phú. Ví dụ như chỉ đất Hải Dương mới có thể trồng được loại vải thiều Thanh Hà ngọt thanh, chế biến được thành nhiều món chè như chè vải sương sáo, chè vải rau câu,...Hay như các món được làm từ rươi thì cũng chỉ có một vài tỉnh ven biển Bắc Bộ và Trung Bộ như Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình... mới có thể thu hoạch được. Nói đến ẩm thực là nói đến ăn uống, và ẩm thực Việt là một nét văn hóa độc đáo, thể hiện qua phong cách chế biến món ăn có lợi cho sức khỏe mà phù hợp với môi trường tự nhiên, khí hậu của từng vùng miền. Các đầu bếp Việt từ lâu đã tận dụng tất cả nguồn nguyên liệu đặc sản trời cho ấy, làm nên những tác phẩm món ăn rất NGON và LÀNH.
Món ăn Việt luôn được chú trọng tới việc cân bằng âm dương. Hải Thượng Lãn Ông đã từng viết "Dược bổ bất như thực bồi", nghĩa là dùng thuốc để bồi bổ thì không bằng ăn uống đúng cách. Chính vì thế mà món ăn Việt từ xa xưa đã có những cách kết hợp gia vị tài tình. Ví dụ như gừng, tiêu (dương) sẽ được dùng để khử được mùi tanh trong cá, cân bằng lại vị ấm nóng trong món ăn. Từ thời ông cha ta cho tới ngày nay còn áp dụng gia vị vào trong việc chế biến một số món ăn để chữa bệnh như cảm nắng (dương) thì phải ăn cháo hành (âm), cảm lạnh (âm) thì phải ăn cháo gừng với lá tía tô (dương). Bát nước chấm cũng phải cân bằng đủ ngũ hành (5 vị) gồm: mặn, đắng, chua, ngọt, cay.
Ngon ở hương vị nguyên chất, lấy tự nhiên làm gốc. Được chế biến từ nguyên liệu tươi sống, vốn được nuôi trồng sạch và lành trên những vùng đất và nguồn nước đảm bảo. Đó là lý do, các món ăn Việt thường ít dùng đến dầu mỡ, sử dụng thịt vừa phải, rau củ quả được dùng đa dạng như những vị thuốc rất lợi cho sức khỏe.
Lành – yếu tố làm cho sức khỏe tốt hơn là vì người Việt chủ yếu chế biến món ăn đơn giản như luộc, nướng vừa phải, nên thực phẩm ít biến dạng, giữ được hương vị gốc và các chất bổ dưỡng không bị mất đi.
Những món muối, lên men như dưa, các loại mắm… nhiều vô kể. Men vi sinh tự nhiên được tận dụng trong quá trình tạo nên những món muối như dưa, cá, thịt… thường rất tốt cho hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, đối với ẩm thực Việt các món ăn, thức uống đôi khi như một thứ thuốc trị liệu nhanh chóng được nhiều bệnh như bát nước vối, chè xanh...
Đó là bí quyết giúp cho các món ăn của Việt Nam luôn đảm bảo cơm lành – canh ngọt. Đó cũng là lý do mà các thực khách trên thế giới ngày càng bị hấp dẫn bởi các món ăn của Việt Nam. Những nem, nước mắm, bánh mì, mỳ, phở, cà phê, bún chả, gỏi, bánh tráng, bánh cuốn… trở thành đặc sản hấp dẫn họ.
Với người Việt, ẩm thực đã không chỉ là món ăn đơn thuần, mà đó là một cách sống, một cách ứng xử, một lời giao tiếp và cũng là một phương thuốc thể hiện người sử dụng luôn tôn trọng sức khỏe của chính mình. Cảm nhận ẩm thực Việt Nam, bạn có thể hiểu hơn về đất và người Việt.
Minh Nhật là cái tên được rất nhiều người yêu mến và cô cũng là người giành được danh hiệu Quán quân của Cuộc thi Masterchef Việt Nam vào năm 2014. Sau đó, cô tiếp tục đi theo đam mê ẩm thực và sở hữu chuỗi cửa hàng bánh mì khá nổi tiếng mang tên cô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!