Những món bánh mứt Tết truyền thống xưa luôn đem lại những hương vị Tết cho nhiều thế hệ người Việt. Ngoài vị ngon gây thương nhớ, bánh mứt Tết còn là món quà Xuân gửi gắm yêu thương trong những ngày năm mới mà những người thân dành cho nhau. Có một nghệ nhân Hà Thành chuyên những món bánh mứt truyền thống gìn giữ hương vị xưa cho lớp trẻ hôm nay. Đó là nghệ nhân Đố Thế Mạnh.
Gia tộc họ Đỗ đến nay có nghề làm bánh mứt trải qua bốn thế hệ. Khởi nghề là cụ tổ Đỗ Năng Diễn (cụ Lý Diễn), từ năm 1902 đã có tiệm bánh mứt Xuân Lan nức tiếng tại phố hàng Đường và hàng Vải Thâm (tên xưa của phố hàng Vải). Khi tuổi đã cao, cụ Lý Diễn lại truyền nghề cho người con thứ, cụ Đỗ Tôn Cù. Kế nghiệp cha, cụ Cù không những thúc đẩy việc kinh doanh gia đình thêm phát đạt mà còn mày mò, tự học được nhiều bí quyết làm bánh mứt ở khắp trong Nam, ngoài Bắc. Đến đời thứ ba, con trai của cụ là Đỗ Năng Tý và bốn người cháu nội cũng đều nối gót theo nghề tổ. Từ những gì được truyền dạy trong gia đình, ông Đỗ Mạnh Thế trở thành người sáng lập nên thương hiệu Đỗ Thế Gia nức tiếng.
Từ nhỏ, ông Đỗ Mạnh Thế đã có dịp làm quen với bánh mứt kẹo. Để phụ bố mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống, ông đã đi làm thuê cho các cửa bánh kẹo ở Thụy Khuê. Cũng chính thời gian này là bước khởi đầu để ông có ý chí tạo dựng nên sự nghiệp như ngày hôm nay.
Đến nay khi tuổi cũng đã ngoài 50, ông Đỗ Mạnh Thế vẫn luôn mong rằng phải làm thế nào để giữ gìn và phát huy tốt hơn nữa nghề truyền thống của gia đình, bởi ông tin rằng với những sản phẩm truyền thống của mình sẽ đem lại cho mọi người một hương vị đặc trưng và lưu giữ mãi, để mọi người được thưởng thức những hương vị bánh tết, mứt tết truyền thống ngon thực thụ.
Nghệ nhân làm bánh mứt Đỗ Mạnh Thế sẽ là khách mời của Cuộc hẹn 10h Thế Hệ số ngày hôm nay với chủ đề: "Hương vị quà Tết" để cùng chia sẻ những điều mà ông yêu và tâm huyết với nghề truyền thống cùng những tinh hoa của các cụ để lại cho hậu thế hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!