TV& VIDEO

Trực tiếp Thế hệ số 18h30(17/01): Tết cổ truyền và những “sự chán” cùng "nỗi sợ"

Minh HoaCập nhật 18:15 ngày 17/01/2019

VTV.vn - Tết mang lại cho mỗi người một cảm xúc nhưng không ai đứng ngoài “guồng” lo toan, tất bật, may chăng chỉ có đám trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn là vô lo, vô nghĩ mà thôi.

Với người Việt Nam, Tết cổ truyền dân tộc luôn mang ý nghĩa rất sâu sắc. Tết không chỉ là dịp để gia đình sum vầy, đầm ấm bên nhau, mà Tết còn đem lại cho người ta cảm giác ấm áp, bởi đó không chỉ là ngày lễ mà còn là ý niệm, cảm xúc trong tim của mỗi người.

Trực tiếp Thế hệ số 18h30(17/01): Tết cổ truyền và những “sự chán” cùng nỗi sợ - Ảnh 1.

Tuy nhiên mới đây, một bài văn "Ghét tết" của một  học sinh thế hệ 10X đã khiến cho cộng đồng mạng xã hội phải quan tâm và suy ngẫm. Bởi vì, với đa phần trẻ thơ sẽ vô cùng háo hức, mong được đến Tết, vì được mặc quần áo mới và nhận lì xì của ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên với tác giả của bài văn "Ghét Tết" thì Tết lại chẳng có gì thích thú. Bài văn có đoạn viết " Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi" …Bài văn khiến nhiều người lớn ngỡ ngàng, bởi đã nói đúng tâm lý, nỗi lòng của nhiều người khi Tết đến xuân về. Có lẽ vì vậy, mà những năm gần đây, cứ đến dịp cuối năm, khi sắp đến Tết truyền thống của người Việt, dư luận xã hội, đặc biệt là nhiều cư dân mạng lại lôi chuyện nên hay không nên ăn Tết truyền thống ra để bàn.

Trực tiếp Thế hệ số 18h30(17/01): Tết cổ truyền và những “sự chán” cùng nỗi sợ - Ảnh 2.

Trên cộng đồng mạng xã hội, có nhiều ý kiến than phiền rằng "Tết ngày càng nhạt"....Nhiều cư dân mạng bày tỏ cảm xúc "sợ Tết", "ghét Tết"…Những ý kiến này liệt kê ra muôn vàn nỗi sợ….như: Tết sinh lễ nghĩa, phải đi lại nhiều, tắc đường mệt mỏi, công việc đình trệ. Đó còn là ngày Tết, phụ nữ phải quay cuồng với công việc nội trợ, mua sắm, cúng bái, mời khách khứa, dọn dẹp chén bát.... Đàn ông, chìm trong rượu chè, chúc tụng, trẻ con chơi game, ngủ vùi…Rồi trùng điệp các lễ hội, nghi thức, những hoạt động mê tín dị đoan…

Đa phần các ý kiến trên cộng đồng mạng xã hội tuy phản đối nhiều thủ tục ngày Tết, nhưng đều muốn giữ lại ngày Tết truyền thống. Bởi lẽ, Tết cổ truyền không chỉ là văn hóa mà còn là một giá trị, tết Việt là phong vị đặc trưng không thể lẫn lộn của người Việt… Nhưng phải chăng phần đông chúng ta đã ăn Tết, đón Tết theo cái cách khiến nó bị lệch lạc, gây ra nhiều hệ lụy, phiền toái nên Tết đã trở nên rườm rà phức tạp. Tết là dịp nghỉ ngơi của mọi người, nó phải là sự thoải mái sung sướng, trẻ thơ vui mừng, người lớn hân hoan với một tâm thế nhẹ nhàng nhất có thể, chứ Tết không thể trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà.

Trực tiếp Thế hệ số 18h30(17/01): Tết cổ truyền và những “sự chán” cùng nỗi sợ - Ảnh 3.

Ca sỹ, nhạc sỹ Tú Dưa

Vậy thì nên đón Tết, ăn Tết truyền thống thế nào cho văn minh, vun đắp được những giá trị tinh thần thiết thực; tránh hao phí sức lực, vật chất, gây ra nhiều sự "chán Tết", "sợ Tết" cho chính mình và người thân? Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ đặt ra. Cùng trò chuyện về chủ đề này với Thế hệ số ngày hôm nay là ca sĩ, nhạc sỹ Anh Tú, còn gọi là Tú Dưa – Cựu thành viên nhóm nhạc Quả dưa hấu.  Người đàn ông 4 con và chu đáo cẩn thận  này chắc chắn sẽ có nhiều chia sẻ thú vị về những nỗi sợ ngày Tết. Hãy cùng theo dõi Thế hệ số lúc 18h30 ngày hôm nay 17/01/2019.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Lên trên

KHÁCH MỜI THAM DỰ

Ý kiến / Tương tác
    Xem Thêm
    Gửi