Cần cẩn trọng thay vì chạy đua sản xuất vaccine ngừa Covid-19

Thùy Trang, Tấn Khoa, Quốc Thắng (VTV9)Cập nhật 14:29 ngày 18/08/2020

VTV.vn - Việc Nga công bố ra mắt vaccine ngừa Covid-19 đã làm nóng lên cuộc đua sản xuất vaccine trên toàn thế giới. Liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng cho nhân loại hay không?

Theo thông cáo của Bộ Y tế Nga, với phác đồ tiêm 2 lần, vaccine Sputnik V cho phép phòng ngừa Covid-19 trong 2 năm. Ngay sau khi được cấp phép, vaccine này sẽ được sản xuất tại 2 cơ sở là Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh Gamaley của Bộ Y tế Nga và công ty Binnopharm.

Theo ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, đến thời điểm này Nga đã nhận được các đơn đặt hàng đến từ hơn 20 quốc gia với nhu cầu lên đến 1 tỷ liều vaccine, phần lớn là từ các nước Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Á. Nga cũng đã đàm phán về việc sản xuất vaccine tại 5 nước với khả năng sản xuất 500 triệu liều mỗi năm, trong đó có Philippines, Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Riêng Việt Nam cũng đã đặt mua từ 50-150 triệu liều vắc xin từ Nga.

Trước những lo ngại về chất lượng của vắc xin Nga khi được phát triển quá nhanh (chỉ trong 5 tháng), mới đây ông Alexander Gintsburg, viện trưởng Viện Nghiên cứu Gamaleya - nơi phát triển vắc xin Sputnik V - cho biết, vắc xin này không tự dưng mà có. Kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu phát triển vaccine phòng ngừa dịch Ebola và MERS đã giúp Nga tạo ra được vắc xin ngừa Covid-19 nhanh hơn mong đợi.

Còn tại Việt Nam, trên tinh thần chậm mà chắc, nghiên cứu và sản xuất vắc xin cần sự cẩn trọng chứ không phải chạy đua vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, Việt Nam đang tiếp tục tối ưu quy trình sản xuất vắc xin trong nước, chuẩn bị cho tiêm thử nghiệm trên người.

Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) - đơn vị đã nghiên cứu vắc xin Covid-19 ngay từ đầu dịch, cho biết vừa qua công ty này đã thử nghiệm vaccine Covid-19 trên động vật. Kết quả cho thấy kháng nguyên của vaccine đáp ứng miễn dịch, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 do vi rút Sars-CoV-2, sắp tới sẽ tiến hành thử nghiệm trên người.

Theo VABIOTECH, nếu quy mô sản xuất với vaccine thông thường khoảng 3 - 5 triệu liều/năm hoặc nhiều hơn là 20 - 30 triệu liều/năm, nhưng với vaccine Covid-19, mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều. Với công suất mức độ lớn như vậy, càng đòi hỏi có các đánh giá rất kỹ và cẩn trọng, hoàn thiện quy trình, nhất là trong tình huống rất cấp bách như hiện nay.

Một khi có vaccine, chúng ta sẽ chủ động đối phó với nguy cơ bùng phát trở lại của dịch bệnh, đồng thời triển khai mạnh mẽ các kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Và hiển nhiên, không thể không nhắc đến các đơn hàng từ nước ngoài. Với ý nghĩa đó, việc sản xuất được vaccine có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi quốc gia. Tuy nhiên vẫn phải trên tinh thần cốt lõi: đó phải là thứ vaccine thực sự an toàn và hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.