Làng chiếu Định Yên – một làng chiếu truyền thống đã tồn tại hơn 200 năm ở huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Thời điểm hưng thịnh nhất của nghề dệt chiếu Định Yên là vào những năm 80 của thế kỷ XX. Khi đó chiếu Định Yên đã được xuất sang Campuchia, Thái Lan, và các nước Đông Âu. Tại vùng sản xuất ngày ấy, còn hình thành hẳn một khu "chợ chiếu ma", với hàng trăm tiểu thương nhóm họp lúc nửa đêm.
Ngày nay, mặc dù “chợ chiếu ma” chỉ còn trong trí nhớ, nhưng chợ lác trên sông này là minh chứng cho sức sống làng nghề hàng trăm năm tuổi. Lác nguyên liệu từ khắp các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long đều đổ về đây. Mỗi bó nặng 60-70 ký, sẽ cho ra khoảng 25 chiếc chiếu thành phẩm.
Lác dệt chiếu cần phải chọn lựa kỹ càng. Từng sợi suôn dài đều nhau, không quá to và cũng không quá nhuyễn. Sợi sáng màu thì đem dệt chiếu trắng, còn lại sẽ mang đi nhuộm. Đây là công đoạn đòi hỏi độ lành nghề. Người thợ phải cảm bằng giác quan và kinh nghiệm chứ không dựa trên bảng màu sẵn có.
Về Định Yên những ngày nắng, sắc thắm làng chiếu nhuộm khắp sân nhà và dọc 2 bên đường. Người thợ phải canh phơi từ lúc nắng vừa lên. Tranh thủ nắng gắt mang vào để sợi lác không bị giòn, dễ gãy khi dệt. Thông thường, 1 chiếc chiếu 1,2m sẽ cần 1,5kg lác thô. Một khung dệt thủ công phải có 2 người thợ, mỗi ngày chỉ dệt được tầm 4 chiếc chiếu, giá bán là 120.000 đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn và ngày càng khắt khe của thị trường, các hộ dân nơi đây hiện đã đầu tư máy móc, đa dạng thêm nhiều mẫu mã. Cơ cở sản xuất chuyện nghiệp dần hình thành, góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 70% lao động địa phương./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!