Nằm giữa cù lao sông Tiền, làng nghề dệt khăn choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã được hình thành trên 100 năm qua, từ những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay, nơi đây vẫn còn hơn 50 hộ theo nghề dệt, mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 4.000 chiếc khăn choàng và 1.800m vải với nhiều kích thước, chủng loại khác nhau.
Người góp phần không nhỏ trong hành trình thay đổi công năng của chiếc khăn rằn nói trên phải kể đến cô gái 9X Huỳnh Ngọc Như. Với những trăn trở, dù không theo bất cứ chuyên ngành kinh tế nào, cô gái 9X ngành văn hóa này vẫn mạnh dạn khởi nghiệp từ chất liệu là chiếc khăn rằn quê mình.
Bắt tay làm dự án là bắt đầu của những chuỗi ngày đầy khó khăn của cô, thậm chí bị thua lỗ nặng bởi không có công thức nhuộm tự nhiên nào sẵn có, không dễ dàng để những sợi vải thưa trở nên khít khao theo đường may may sắc sảo, và cũng quá khó để người lớn tuổi chấp nhận chuyện lấy chiếc khăn một thời chỉ đội đầu nay được đem may áo quần, phụ kiện. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của mình.
Để sản phẩm bền và "chất", Như dồn hết tâm sức, khéo léo chọn lựa từ cây kim, sợi chỉ, một mình chủ động thiết kế kiểu dáng, kết nối thị trường. Cuối cùng, vải dệt khăn choàng đã được người tiêu dùng đón nhận trong hình hài mới. Dự án khởi nghiệp của Ngọc Như đi vào thương mại hóa. Những chiếc áo dài, cà vạt, túi xách "handmade" là minh chứng giá trị gia tăng từ chất liệu truyền thống của làng nghề. Thành công đó góp phần không nhỏ trong việc hồi sinh nét đẹp văn hóa của một làng nghề xưa nhưng không cũ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!