Cọc dừa, đăng đáy cá chực chờ "nuốt chửng" tàu ghe trên sông nước miền Tây

Thanh Chương - Nguyên Du - Quốc Minh - Trần Chuyển (VTV9)Cập nhật 10:10 ngày 06/11/2019

VTV.vn - Hàng trăm cây cọc dừa được cắm ngang dọc trên sông, những hàng đáy chực chờ đâm vào tàu ghe là những "cạm bẫy" tai nạn đường thủy trên sông nước miền Tây.

Khi xảy ra tai nạn đường thủy, gần như sẽ có người thương vong. Do đó, tuy số vụ tai nạn không nhiều nhưng hậu quả lại rất lớn và nặng nề. Trong khi đó, ở ĐBSCL với hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông thủy vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Cục Cảnh sát đường thủy, mỗi năm có từ 150 - 200 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết trên dưới 300 người. Với con số này, số người chết do tai nạn đường thủy chỉ bằng số lượng người thiệt mạng trong 10 ngày của giao thông đường bộ (trung bình mỗi ngày có khoảng 30 người chết). Tuy nhiên, nếu xảy ra tai nạn đường thủy, mức độ tang thương là rất lớn. Những địa phương tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao ở ĐBSCL gồm các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Long An, An Giang.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường thủy. Trong đó, không thể không nói đến những "cái bẫy" mà người ta đã dựng lên trên sông. Trong thời gian gần đây, dư luận hết sức bất bình về việc hàng trăm cây cọc dừa cắm ngang dọc trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Vĩnh Long. Hậu quả là nhiều tàu ghe vướng vào cọc bị chìm xuống sông. Hiện nay, 350 cọc dừa vẫn tồn tại trên sông Cổ Chiên. Nỗi lo của người dân khi qua lại nơi này vẫn chưa được dỡ bỏ. Được biết, phần cọc dừa đã đóng xuống sông chỉ mới là phần nhỏ của dự án nuôi cá kết hợp điện mặt trời rộng 4ha. Câu chuyện trên cho thấy ý thức trách nhiệm chưa cao của doanh nghiệp khi cắm hàng cọc dừa này cũng như trong việc cảnh báo tàu ghe trước đó và giải quyết hậu quả lúc vụ tai nạn đã xảy ra.

Không dừng lại ở đó, những cái bẫy trên sông nước miền Tây còn xuất phát từ cuộc sống mưu sinh của cư dân nơi đây. Dẫu biết rằng không được phép, bị cấm, có thể bị xử phạt nặng nhưng nhiều người vẫn "nhắm mắt làm liều" dựng hàng đăng đáy cá dày đặc trên sông, rạch. Đăng đáy cá nằm trong danh mục chướng ngại vật nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông được quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ở tỉnh Cà Mau, hình thức đánh bắt thủy sản này vẫn còn nhiều và có nguy cơ cao. Do vậy, địa phương đã và đang nỗ lực giải tỏa các chướng ngại vật, trả lại luồng tuyến an toàn cho tàu ghe.

Lấn chiếm lòng sông là thực trạng nhức nhối và không dễ giải quyết ở các địa phương. Nguyên nhân là do lợi ích kinh tế trước mắt, chưa kể trong một thời gian dài đóng đáy được xem là nghề phải đấu thầu và đóng thuế. Tuy nhiên, với những hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông, việc lấn chiếm lòng sông cần phải chấm dứt vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy trong mùa lũ Nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy trong mùa lũ

VTV.vn - Từ đầu tháng 9 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường thủy đáng tiếc, nhưng một số người điều khiển sà lan cỡ lớn vẫn chủ quan khi lưu thông.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.