Đó là đánh giá tại Diễn đàn Khuyến nông "Cơ giới hóa trong sản xuất lúa" được Trung tâm Khuyên nông Quốc gia tổ chức tại Kiên Giang vào sáng nay 18/10.
Là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, tất cả các khâu trong quy trình sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long như làm đất, gieo sạ, thu hoạch, và bảo quản sau thu hoạch đều được cơ giới hóa. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở từng khâu lại có sự khác nhau.
Theo đó, việc áp dụng giải pháp cấy máy thay cho cách gieo sạ không được nhiều nông hộ ưu tiên lựa chọn. Toàn vùng có trên 15.000 máy gặt đập liên hợp và 4.000 máy gặt xếp dãy, đáp ứng từ 60 đến 65% nhu cầu. Hệ thống sấy lúa cũng mới đáp ứng được khoảng hơn 60% sản lượng. Cơ giới hóa sản xuất góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa thương phẩm. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún nên khó đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp đẩy nhanh việc áp dụng cơ giới hóa như: cần có sự liên kết vùng, có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp hay cải tiến các máy nông nghiệp theo hướng gọn nhẹ, giá cả hợp lý. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh thông tin để người nông dân thấy rõ những lợi ích của việc áp dụng cơ giới theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Với những giải pháp thiết thực và những tham luận đa chiều tại diễn đàn thì hy vọng rằng tiến độ áp dụng cơ giới hóa ở vùng sản xuất lúa trọng điểm ĐBSCL sẽ được đẩy nhanh và hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!