Từ trước đến nay, du lịch sinh thái ĐBSCL vẫn không thoát khỏi lối mòn chung với những tour na ná nhau như: tham quan sông nước, đờn ca tài tử, vườn cây ăn trái… Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng đều có từ vài cơ sở đến hàng chục địa điểm du lịch cộng đồng. Sự đơn điệu, nhàm chán đã khiến nếu đã đi một nơi, du khách không muốn đến các điểm khác.
Theo các chuyên gia, lợi thế lớn nhất của du lịch ĐBSCL là đa dạng dịch vụ sản phẩm. Tuy nhiên, đó cũng là nhược điểm bởi đa dạng nhưng ít có sự khác biệt giữa các địa phương. Các tỉnh, thành trong khu vực đã nhận thấy điều đó. Những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương sẽ được phát huy tối đa để nâng cao giá trị du lịch. Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tập trung làm nổi bật sản phẩm du lịch của từng địa phương sẽ là chiến lược căn cơ để nâng tầm ngành công nghiệp không khói trong khu vực.
Mục tiêu của du lịch ĐBSCL là đón 34 triệu du khách và đạt doanh thu 25.000 tỷ đồng vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, trong những năm qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chiến lược quan trọng, mang tính lâu dài là tập trung quy hoạch để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương.
Trên thực tế, khi được đầu tư bài bản, du lịch đồng bằng sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nhiều, không chỉ ở dạng tiềm năng như hiện nay. Gần đây, du thuyền của các thương gia nước ngoài cũng xuất hiện trên sông Hậu. Đây được xem là một hướng đi mới cho du lịch miền Tây.
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đan xen giữa các vườn cây ăn trái hay văn hóa chợ nổi, du lịch đường sông sẽ là thế mạnh của người dân miền Tây. Phát huy được những nét đặc trưng, giá trị của văn minh miệt vườn Cửu Long, du lịch đất chín rồng sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!