Không chỉ đẹp, gạch bông thủ công còn có độ bền "trường tồn với thời gian". Vì tuổi thọ của lớp men có thể lên tới hàng trăm năm. Tại TP.HCM, những công trình vẫn đang sử dụng loại gạch này mà chưa cần phục chế, có thể kể đến Nhà thờ Đức Bà hay Bảo tàng Mỹ thuật… Một điểm độc đáo khác là gạch bông thủ công không gây ô nhiễm môi trường, bởi gạch không cần đưa vào lò nung nên không thải ra khí C02.
Quy trình để làm ra một viên gạch bông thủ công cũng lắm công phu. Đầu tiên, là thiết kế khuôn mẫu hoa văn. Muốn tạo ra viên gạch hoa văn theo mong muốn, trước tiên người thợ phải thiết kế họa tiết trên các khuôn mẫu bằng đồng, có kích thước tương đương với kích thước viên gạch. Hoa văn sẽ được thiết kế trên giấy, sau đó dùng các lá đồng uốn thành các phần hoa văn nhỏ sao cho chúng có hình dạng và kích thước giống với các mẫu hoa văn đã thiết kế.
Tiếp theo, để gạch ra đúng màu thiết kế, bột màu được lấy theo tỷ lệ nhất định và mang đi pha trộn. Các hỗn hợp màu sau khi được những người thợ pha, độ sánh của hỗn hợp màu cũng được kiểm soát bằng một tỷ lệ cho trước. Sau đó, màu sẽ được đổ vào khuôn hoa văn tạo lớp màu ban đầu. Khi lớp màu được định hình trong khuôn ép, người thợ phủ lên trên lớp màu một lớp mỏng hỗn hợp cát và xi măng mịn nhằm củng cố sự vững chắc cho lớp thứ nhất. Để tạo độ dày gạch như mong muốn, tiếp tục đổ vào khuôn một lớp hỗn hợp cát và xi măng trước khi cho tất cả vào máy ép thủy lực.
Sau khi đã thực hiện đúng và đủ các bước rót màu, đổ hỗn hợp vào khuôn, tiếp đến mang vào máy ép thủy lực nén lại với áp suất cao đã được tính toán trước để đạt được độ bền và kích thước như mong muốn.
Cuối cùng là xử lý để gạch bông có độ bóng, bền, đẹp nhất, bằng cách tạo độ ẩm cần thiết cho gạch - ngâm nước và phơi khô tự nhiên trong khoảng thời gian nhất định. Đánh bóng bề mặt để tạo vẻ đẹp sáng bóng và sang trọng. Phủ chất bảo vệ lên bề mặt gạch để tăng độ bền và giúp bảo vệ được một số tác nhân có hại khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!