Đưa múa Chăm ra thế giới

Trâm Anh (VTV9)Cập nhật 10:56 ngày 28/08/2019

VTV.vn - Tại quần thể di tích Tháp Bà Ponargar, hàng ngày, những âm hưởng đặc biệt của những nhạc cụ Chăm truyền thống cùng những điệu múa uyển chuyển đang làm say lòng du khách.

Đến với Tháp Bà Ponargar, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng tuyệt tác về kiến trúc của người Chămpa cổ mà chắc chắn khi nghe thấy tiếng nhạc gọi mời, du khách sẽ tìm đến khu vực ngay dưới chân Tháp – nơi biểu diễn những điệu múa vô cùng đặc sắc của đồng bào Chăm.

Trong âm nhạc truyền thống, người Chăm có nhiều loại nhạc cụ nhưng có 2 loại chính không thể thiếu trong các buổi biểu diễn, đó là: trống Ghi năng và kèn Saranai. Trống Ghi năng được làm bằng gỗ, dài khoảng 80cm. Mặt trống làm bằng da trâu. Khi biểu diễn, sẽ có 2 nghệ nhân Chăm trong trang phục truyền thống phối diễn cùng lúc.

Chơi trống Ghi năng mới 8 năm nhưng thật khó để kiếm được một người chơi loại trống này điêu luyện như nghệ nhân Vạn Ngọc Chí. Khó là vì trống Ghi năng là loại nhạc cụ diễn tả được âm thanh đa dạng: lúc thì linh hoạt, náo nhiệt, lúc lại trầm ấm, nhè nhẹ… bởi tiết điệu của nó lên đến hàng chục.

Còn với kèn Saranai, loại kèn tạo những âm thanh liền hơi ở tốc độ nhanh. Kèn Saranai được làm bằng gỗ kết hợp sừng trâu với 7 lỗ ở trên, 1 lỗ thông hơi ở dưới và lỗ thổi.

Múa Chăm có nhiều cách múa, như: múa quạt, múa đội lu, múa khăn, múa Apsara… Trên nền âm nhạc truyền thống cùng tiếng trống Ghi năng, tiếng kèn Saranai, những thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống đã gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về mưa thuận gió hòa, thể hiện tâm tư tình cảm, tình yêu lứa đôi nam nữ. Những động tác tay linh hoạt kết hợp với những bước nhún nhẹ nhàng đã tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển của các điệu múa thu hút mọi ánh nhìn từ phía người xem. Và với nhiều du khách, ngoài thưởng thức thì việc lưu lại hình ảnh những điệu múa Chăm đặc sắc ấy là điều khó có thể bỏ qua.

Việc không sân khấu hóa múa Chăm đã thể hiện được cái hồn của người Chăm trong các bài múa, điệu nhạc của chính họ, tạo cảm giác rất gần gũi, tự nhiên, hấp dẫn, níu kéo du khách. Nhưng trên hết, những điệu múa ấy như là cầu nối xóa tan những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ góp phần lan tỏa nét đặc sắc múa Chăm đến với bạn bè quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.