Vào thời điểm này, mặn đang bủa vây ĐBSCL. Ở tất cả các tỉnh ven biển, ranh mặn đã lấn sâu vào nội đồng hàng chục km. Tại tỉnh Bến Tre, tất cả cửa sông đều nhiễm mặn lên đến hơn 10o/oo, nhiều nơi trong nội đồng độ mặn cũng đã lên đến 4 - 5o/oo. Để bảo vệ hơn 20.000ha cây ăn quả và hoa kiểng vùng rốn mặn, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp tích nước trữ ngọt.
Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm túi trữ nước ngọt, tùy dung tích mà giá từ 1 - khoảng 3 triêu đồng. Tuy giá thành không quá cao nhưng việc đầu tư quy mô lớn là một bài toán với người nông dân. Bên cạnh đó, với quy mô vườn cây ăn trái từ vài nghìn đến hàng chục nghìn m2 ở ĐBSCL, những túi chứa nước có dung tích 15m3 sẽ là không đủ, bà con phải đầu tư rất nhiều. Do đó, họ mong rằng các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế ra nhiều sản phẩm có giá thành thấp hơn nữa để đáp ứng nhu cầu trữ nước ngày càng nhiều.
Mặn đang diễn ra gay gắt và dự báo sẽ khốc liệt hơn đợt mặn năm 2015 - 2016 trong những tháng tới. Do độ mặn cao, trong khi hạn có thể kéo dài đến tháng 5 nên nguy cơ thiếu nước tưới là rất lớn. Vào thời điểm này, các địa phương ven biển ĐBSCL đang khẩn trương ứng phó với hạn mặn. Trong đó, tích nước trữ ngọt được xem là giải pháp cốt lõi để giải cơn khát nước ngọt cho hàng nghìn ha lúa, vườn cây ăn quả của bà con nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!