Một văn bản được UBND tỉnh Bình Phước ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2019. Văn bản có nội dung chấp thuận chủ trương cho phép tiêu hủy hơn 8.000m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8. Vì sao lại mang số lượng gỗ lớn như vậy đi tiêu hủy, vì sao lại tiêu hủy bằng hình thức để gỗ tự mục, gỗ đang ở trong rừng vì sao hạ xuống rồi tiêu hủy? Không chỉ hàng loạt vấn đề khó hiểu được đặt ra mà còn nhiều bất ngờ khác đã được hé lộ khi phóng viên VTV đến hiện trường tiêu hủy gỗ để tìm hiểu.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, tại văn bản 3911, nguyên nhân phải tiêu hủy hơn 8.000m3 gỗ là do "toàn bộ lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng, mục nát, không còn sử dụng được". Lâm sản tồn, cụ thể là 8.000m3 gỗ này, được khai thác từ 3 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, nhưng chưa được vận chuyển về kho. Cuối năm 2016, khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, UBND tỉnh đã ra văn bản ngừng toàn bộ các dự án có liên quan đến rừng tự nhiên, không cho phép vận chuyển gỗ lớn đã bị chặt hạ ra khỏi rừng, do đó gỗ bị bỏ lại, dẫn đến hư hỏng mục nát.
Khu rừng tại Nông lâm trường Tân Lập thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước, nơi có số lượng gỗ tiêu hủy lớn nhất gần 5.500m3, cũng chính là nơi từng được Đài THVN phản ánh về vụ việc phá rừng cách đây hơn 1 năm. Sau một thời gian dài điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã xác minh được đối tượng phá 24 cây gỗ rừng và xử phạt 40 triệu đồng.
Kết luận này càng khiến người dân thêm bức xúc bởi thực tế còn hàng trăm, hàng nghìn cây gỗ rất lớn khác nằm sâu trong rừng đã bị chặt hạ không thương tiếc, nhưng vụ việc lại bị lấp liếm, bỏ qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!