Những ai lần đầu tiên đến với rừng U Minh sẽ nghĩ nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nhưng thật ra, màu nước đỏ ấy là do lá tràm rụng xuống, phân hủy, ngấm qua lớp than bùn mà tạo thành. Than bùn ở đây xốp, được hình thành cả ngàn năm, không bị nhiễm phèn mặn, và có khả năng giữ nước rất cao. Chính vì vậy, U Minh Thượng không chỉ là lá phổi xanh mà còn là túi nước ngọt phục vụ phát triển, sản xuất và đời sống dân sinh cho cả vùng.
Người dân U Minh Thượng nào cũng biết, khi đi rừng mà thiếu nước là cứ việc khoét một lỗ đất mùn. Nước từ đất sẽ rịn về. Chính thực tế này đã làm cho người đi rừng hả hê cơn khát. Ai cũng tin, dưới chân mình là túi nước đỏ khổng lồ, quý như kho báu, hình thành một cách tự nhiên, nhưng đầy khoa học.
Từ những cơn mưa, nước thẩm thấu, lưu dẫn trong lớp than bùn rồi hình thành 1 bể nước đỏ xâm xấp mặt rừng. Có thể ví von, lớp than bùn ở U Minh Thượng như cục bông xốp khổng lồ tích trữ nước ngọt. Để rồi nước ở đây phân phối theo một nhịp điệu tự nhiên. Chỉ cần nhìn vào mực nước đỏ ấy, người ta biết được sức sống của cây.
Điều này cho thấy, ở U Minh, nước đỏ giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Hụt lớp nước đỏ, rừng dễ bén lửa. Hay nói cách khác, nước dớn còn là điều kiện giữ rừng và là nguồn dưỡng chất để các loài động thực vật ở lâm phần sinh sôi phát triển, trong đó có cá đồng.
Thế nên, đón những cơn mưa đầu mùa chính là lúc những người có trọng trách với rừng bắt đầu tính toán lại lượng nước đỏ. Và, U Minh Thượng cũng khởi động lại hành trình: tích trữ gần 40 triệu mét khối nước ngọt dưới lớp than bùn cho mùa khô năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!