Nhiều năm làm nghề biển, khá dày dạn sóng gió, nhưng đây là lần đầu tiên những ngư dân đến với lớp thợ máy.
Thực ra, từ lâu họ đã mong muốn được tham gia các lớp đào tạo như thế này. Nhưng, ở vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ, ngư dân đi học thực sự là chuyện không dễ dàng, bởi phần lớn thời gian phải ở trên biển, mỗi chuyến khai thác kéo dài đến cả tháng trời. Với lớp học này thì khác. Thời gian học giữa 2 chuyến biển. Lớp học phần lớn điễn ra ngay trên tàu cá, và ngay tại cảng cá.
Với học viên là ngư dân, cách hướng dẫn của các giảng viên từ Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cũng được điều chỉnh. Những sự cố thường xảy ra ở tàu cá được giải thích chi tiết, cùng với đó là những hướng dẫn cụ thể về cách khắc phục.
Tổ chức các lớp học phù hợp với đặc thù công việc của ngư dân là giải pháp đầu tiên mà các tỉnh ven biển đang tập trung thực hiện để nâng cao trình độ lao động biển. Tất nhiên, để tổ chức được những lớp học như vậy đòi phải có sự liên kết giữa đơn vị đào tạo với chính quyền địa phương.
28 tỉnh, thành phố ven biển có đội tàu khai thác xa bờ trên 30.000 chiếc. Nếu ngư dân vẫn giữ kiểu làm nghề khai thác dựa trên kinh nghiệm mà chưa làm chủ được công nghệ khai thác, chưa nắm bắt các quy định trong khai thác thì chẳng những khai thác không hiệu quả mà xa hơn, khó đáp ứng những yêu cầu đối với nghề cá hội nhập với thế giới.
Các lớp học dành cho ngư dân phù hợp với nhu cầu thực tế, được cho là cách để lấp dần khoảng trống này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!