Năm 2019 có thể nói là một năm đầy sóng gió cho ngành chăn nuôi trong nước. Bên cạnh những yếu tố khách quan như dịch bệnh, thời tiết, thị trường, còn một số vấn đề phát sinh từ nội tại của ngành chăn nuôi.
Ngày 19/2/2019, chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Bộ NN&PTNT đã chính thức công bố thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam. Từ 2 ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, 7 tháng sau, dịch đã càn quét hết 63 tỉnh và thành phố trên cả nước. Tính đến trung tuần tháng 12, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy lên đến gần 6 triệu con, khiến tổng đàn lợn của cả nước chỉ còn 25 triệu con, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019, Chính phủ đã phải chi hơn 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Cho đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, nhưng nhiều hộ gia đình tại vùng chăn nuôi trọng điểm ở Đông Nam Bộ vẫn chưa thể phục hồi sản xuất. Tại tỉnh Đồng Nai, đã có hơn một nửa đàn lợn bị tiêu hủy. Nhiều hộ đã phải chuyển đổi sang nuôi gia cầm hoặc các vật nuôi khác. Điều này dẫn đến quy mô gia cầm tăng chóng mặt, phá vỡ quy hoạch của ngành chăn nuôi.
Thực trạng vỡ quy hoạch khiến giá gia cầm bị lên xuống bấp bênh. Vào khoảng tháng 3/2019, giá trứng gà đã chạm đáy, còn 1.000 - 1.200 đồng/quả, một quả trứng vịt cũng chỉ có giá 2.000 đồng. Cùng với dịch bệnh, giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng chịu tác động lớn từ thị trường. Lượng gà nhập khẩu tăng cao, đẩy giá gà trong nước giảm mạnh, chỉ còn 12.000 – 13.000 đồng/kg. Người chăn nuôi bị thua lỗ nặng nề.
Năm 2019 cũng là năm "bão giá" của mặt hàng thịt lợn. Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã khiến nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt lớn so với nhu cầu thị trường. Giá thịt lợn bị đẩy lên cao, từ 38.000 đồng/kg khi mới bùng phát dịch đến nay đã chạm mốc gần 100.000 đồng/kg ở một số địa phương.
Để hạ nhiệt, giải pháp nhập khẩu thịt lợn được Bộ NN&PTNT thông qua. Tại TP.HCM, từ đầu năm tới nay, lượng thịt lợn nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố đạt 13.000 tấn, tăng 117% so cùng kỳ 2018. Và từ nay tới hết quý I/2020, khoảng 100.000 tấn thịt lợn sẽ được các doanh nghiệp trong nước nhập về để phục vụ cho bữa cơm hàng ngày của các gia đình khi lượng thịt nóng đang bị hao hụt.
Bên cạnh công tác dập dịch, việc trữ đông và nhập khẩu thịt lợn đã được triển khai để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, đặc biệt là trong mùa cao điểm Tết. Điều đáng ghi nhận là trong cơn bão dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực không để dịch bệnh tấn công. Điều này góp phần không nhỏ trong việc giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Bên cạnh đầu tư công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, các trại nuôi cho biết họ cũng đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng trước để chọn lọc các nguồn lợn giống thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!