Cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ như rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…Bản chất của các cuộc gọi này là hành vi quảng cáo của doanh nghiệp. Theo quy định pháp luật, nếu bị từ chối nhiều lần, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gọi điện 2 lần/ngày trở lên được xem là hành vi quấy rối và có thể bị khiếu kiện.
Theo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những nguyên nhân cuộc gọi rác được thực hiện là do các thông tin cá nhân của người sử dụng bị lộ lọt qua nhiều nguồn như: chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn…Những thông tin này được chia sẻ, mua bán bất hợp pháp mà không được sự đồng ý của khách hàng.
Tính đến thời điểm này, 3 trong số 6 nhà mạng đã sẵn sàng về mặt công nghệ để ngăn chặn cuộc gọi rác. Phần còn lại phụ thuộc vào sự hợp tác của người dùng. Thông qua xác nhận của người dùng, nhà mạng sẽ đưa ra các ngưỡng phù hợp để thực hiện chặn các thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các nhà mạng phải gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị khách hàng xác thực.
Hiện 80% các cuộc gọi rác hàng tháng xuất phát từ "sim rác". Do vậy, giải quyết triệt để tình trạng sim rác cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm. Hiện đã thu hồi hơn 20 triệu sim rác và đẩy mạnh xử lý việc mua bán thông tin cá nhân trái quy định pháp luật.
Sau Viettel, bắt đầu từ ngày 1/8, nhà mạng VNPT – VinaPhone, MobiFone áp dụng việc khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng phát tán cuộc gọi rác. Ba doanh nghiệp còn lại áp dụng từ ngày 1/10. Cùng với việc chặn cuộc gọi một chiều, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến áp dụng mức xử phạt từ 80 - 100 triệu đồng/1 lần vi phạm đối với các cuộc gọi rác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!