Hành trang làm nghề của anh Tuấn không có gì ngoài một ít nhiên liệu, một cuộn dây dài, cái máy cưa, và… chiếc xe không thể cũ hơn. Vườn dừa khắp Bến Tre hầu như anh Tuấn thuộc nằm lòng. Nhưng do theo nghiệp cưa nên anh chỉ làm việc với những cây dừa lão, không còn khả năng cho trái. Nhiệm vụ bây giờ là phải đốn hạ thân cây 80 năm tuổi này.
Cũng như bao nhiêu người theo nghề trèo dừa anh Tuấn dùng dây chuối bện sẵn sợi nài thật chặt. Máy móc đã ngon lành, sẵn sàng chiến đấu. Sau khi cột 1 đầu dây vào máy cưa, anh bắt đầu thoăn thoắt và tim của chúng tôi cũng bắt đầu loạn nhịp. Chưa đầy 1 phút, ngọn dừa đã chạm đất. Tiếp theo là cưa từng đoạn gỗ theo yêu cầu của chủ vườn. Công việc chông gai, khó nuốt mà anh Tuấn giải quyết gọn lẹ, như không.
Vẫn biết nghề này chênh vênh, đầy may rủi, nhưng hễ có người cần là anh tới. Ngày nhiều thì cưa mười mấy 20 cây, ít thì 5-7 cây dừa, cây tạp. Cái khó là phải biết tính toán hướng đổ của cây, phải bảo vệ nhà cửa vườn tược cho gia chủ. Hay nói đúng hơn, đó là cách tạo uy tín để giữ mối kiếm tiền.
Có lẽ, cái nghề của anh Tuấn không chỉ quý vì hiếm người theo. Nó còn đáng trân trọng, bởi đó là cách nuôi dưỡng tương lai cho con của một người cha miền Tây. Người đã từng vì chữ nghèo phải bỏ học năm lớp 8.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!