Đoạn đê quốc phòng hơn 100m bị sạt lở cắt đứt. Hiện tại những con sóng tiếp tục khoét vào thân đê. Những ngôi nhà còn trụ lại cũng bị nứt toác như thế này và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.
Ở cái tuổi ngoài 70, bà Phận vẫn chưa thể an cư. Từ căn nhà rộng hàng trăm mét vuông, sau 4 lần di dời, giờ chỉ còn căn lều tạm để che mưa nắng.
Chỉ tính riêng hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau thời điểm này có hơn 2.000 hộ dân cần bố trí nơi ở mới, trong đó 50% cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, do các địa phương thiếu vốn, người dân không còn đất để di dời nên bà con đành cắn răng sống liều trên những thân đê đã rệu rã, không còn nguyên vẹn.
Theo các địa phương, xói lở bờ biển nghiêm trọng như hiện nay là do diện tích rừng phòng hộ bị mất đi nhanh chóng. Từ năm 2010 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long mất gần 20.000ha rừng phòng hộ ven biển. Khôi phục lại diện tích rừng sẽ là giải pháp đảm bảo cuộc sống và sản xuất của hàng vạn hộ dân ven biển miền Tây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!