Riêng tại TP.HCM, tương tự mùa dịch năm trước, từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, chỉ riêng trong tháng 6 đã có gần 2.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với tháng 5/2019, số ca mắc tăng khoảng 40%. Điều này cho thấy mùa dịch sốt xuất huyết 2019 - 2020 đã thật sự bắt đầu.
Như vậy, tính đến hết tháng 6/2019, TP.HCM ghi nhận có gần 25.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018 với 5 ca tử vong bao gồm 3 người lớn và 2 thiếu niên. Trước tình hình này, y tế dự phòng TP.HCM đã triển khai một loạt các biện pháp phòng bệnh thông thường bên cạnh đó ứng dụng WebGIS cũng thường xuyên được nâng cấp phục vụ cho hoạt động phát hiện kịp thời các ổ dịch và xác minh chính xác phạm vi cần xử lý. Các ổ dịch sẽ phải được xử lý trong vòng 48 giờ.
Việc ứng dụng hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền bản đồ địa lý – WebGIS đã được Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM thực hiện cách đây hơn 2 năm, thời điểm mà dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh trong cộng đồng. Và 2 năm qua, ứng dụng công nghệ này đã chứng tỏ hiệu quả của nó. Đặc biệt, trong cao điểm dịch sốt xuất huyết năm nay, dù số lượng bệnh nhân tăng, nhưng TP.HCM không còn đứng trước nguy cơ không khống chế được dịch bệnh bùng phát.
Tuy không phải là địa bàn ghi nhận có bệnh nhân nhưng nằm trong phạm vi cần xử lý, anh Thành, cán bộ phòng dịch trung tâm y tế phường Linh Xuân vẫn đến cùng hộ gia đình diệt lăng quăng. Mặc dù số ca bệnh sốt xuất huyết tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM đã tăng lên 50 ca so với cùng kỳ năm trước chỉ là 30, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ WebGIS kiểm soát đến từng tổ dân phố, sốt xuất huyết vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Được kết nối với toàn bộ 319 trạm y tế trên toàn địa bàn thành phố và 79 bệnh viện, WebGIS với việc bổ sung kịp thời các ca bệnh mới phát sinh, còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phòng và dập dịch hiệu quả trên cấp độ của thành phố.
Tuy nhiên, công nghệ sẽ chỉ hiệu quả trong hỗ trợ kế hoạch phòng và dập dịch, bởi chỉ khi có sự chung tay của cộng đồng trong các hành động cụ thể thì dịch bệnh mới không bùng phát, tránh gây nguy hiểm cho cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!