Vay - trả là lẽ đời, cũng là theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mối quan hệ này rất dễ bị đứt gãy nếu như bên vay chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình. Thực tế là điều này vẫn thường xuyên xảy ra. Để việc trả nợ diễn ra nhanh chóng, người cho vay phải nhờ đến đơn vị trung gian là các công ty thu hồi nợ. Công việc của những công ty này là hỗ trợ người cho vay lấy lại khoản tiền của mình một cách hợp pháp.
Theo Nghị định 104, các công ty, doanh nghiệp thu hồi nợ phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Về mức phí dành cho các hoạt động đòi nợ, người cho vay phải trả dao động từ 20 - 50% trên tổng số tiền nợ phải đòi. Mức lợi nhuận thu về không nhỏ, có thể nói là khổng lồ, đó là lý do vì sao các công ty đòi nợ thuê bất chấp quy định pháp luật, thậm chí sử dụng các biện pháp theo kiểu xã hội đen để thu hồi nợ như: tạt sơn kèm chất bẩn, tạt mắm tôm, uy hiếp... Tất cả đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả để lại không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn là tổn thất về tinh thần của nạn nhân.
Phải khẳng định rằng dịch vụ đòi nợ thuê là hoạt động không thể thiếu và là sự tất yếu của nền kinh tế, nhưng việc quản lý ngành nghề đặc biệt này lại đang bị buông lỏng, chỉ dừng ở việc kiểm tra đăng ký giấy phép kinh doanh, nộp thuế, giấy phép đảm bảo hoạt động an ninh trật tự. Trên thực tế, hiện ở Việt Nam hành lang pháp lý dành cho hoạt động thu hồi nợ còn lỏng lẻo về mặt luật pháp, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng bạo lực và tội phạm xã hội đen hoạt động công khai, nguy hiểm hơn là khuyến khích ngược cho nền kinh tế khi các tổ chức tín dụng cho vay tràn lan và thu nợ dựa trên bạo lực.
Theo luật sư Trần Minh Hải, Công ty Luật Basico, TP.HCM, vì chưa có hành lang pháp lý quy định rõ giới hạn việc được làm, không được làm trong quá trình thu hồi nợ, đến nay vẫn chưa có chế tài chuyên biệt dành cho hoạt động thu hồi nợ bất hợp pháp. Các vụ việc lâu nay bị xử lý đều dựa trên những tội danh khác như: cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản... mà đối tượng đòi nợ vi phạm trong quá trình thu nợ.
Ranh giới giữa dịch vụ đòi nợ hợp pháp và bất hợp pháp vốn rất dễ bị xóa nhòa và càng mong manh hơn nếu quy định pháp luật thiếu rõ ràng, cụ thể. Ngoài việc bổ sung điều chỉnh quy định về quản lý, giám sát các biện pháp đòi nợ không được phép thực hiện, yếu tố cần là phải gia tăng trách nhiệm cho chính công ty thu hồi nợ, khi đó mới có thể đưa hoạt động thu hồi nợ trở về đúng ý nghĩa và giá trị vốn có.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!