Tại phường 3 thành phố Đà Lạt, bên dưới hệ thống cáp treo nối từ đồi Robin đến hồ Tuyền Lâm, người dân và du khách dễ dàng phát hiện hàng chục cây thông ba lá có đường kính từ 20 - 40cm đang héo úa chết dần. Quan sát kỹ bên dưới gốc thông, người dân sẽ nhận thấy tất cả cây thông có dấu hiệu chết đều bị đẽo gọt hết lớp vỏ nhựa bên ngoài. Nhiều cây thông cổ thụ đứng ven đường hoặc trên đất sản sản xuất của người dân ở thành phố Đà Lạt cũng bị gọt vỏ, đầu độc.
Chứng kiến cảnh rừng thông ngày một suy giảm và khí hậu nóng lên từng ngày, những người cao tuổi ở thành phố Đà Lạt cho rằng, việc tuyên truyền bảo vệ ngàn thông xanh trong thời gian qua vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, mức xử phạt cho hành vi lấn chiếm đất rừng vẫn chưa đủ sức răn đe.
Theo lý giải của các cơ quan chức năng, do lâu nay không xác định được người trực tiếp đầu độc rừng thông mà chỉ phát hiện người canh tác trên đất rừng lấn chiếm nên mức xử phạt là khá nhẹ, chỉ từ 3 - 5 triệu đồng. Khi cơ quan chức năng điều tra, phát hiện được người trực tiếp triệt hạ rừng thông, mức xử phạt sẽ tăng lên rất nhiều lần, đủ sức ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng.
Như vậy, việc phát hiện, xử lý các vụ việc khiến rừng thông suy giảm là cần thiết. Tuy nhiên, không ít người cho rằng chỉ khi nào người dân ý thức được tầm quan trọng của rừng thông như chính cuộc sống của họ, lúc ấy tài nguyên rừng mới không bị xâm hại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!