Ứng phó sạt lở bờ biển ở ĐBSCL: Cần giải pháp thông minh, chủ động hơn

Thanh Chương - Nguyên Du - Phú Cường - Lý Của (VTV9)Cập nhật 10:19 ngày 09/10/2019

VTV.vn - Tại ĐBSCL, ngoài bờ sông, sạt lở bờ biển cũng đã đến mức báo động đỏ khi có tới hơn 1/3 chiều dài bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng.

Cháy nhà vẫn còn lại đất, nhưng sạt lở là mất tất cả, hiện nay hàng trăm nghìn hộ dân ĐBSCL đang rơi vào hoàn cảnh này. Theo Bộ NN&PTNT, trước năm 2010, vùng ven biển ĐBSCL có xu thế bồi là chính. Tuy nhiên, từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Theo thống kê, tại các địa phương hiện có 52 điểm đặc biệt nguy hiểm với 268km. Như vậy, so với tổng chiều dài bờ biển hơn 770km của toàn vùng, phạm vi sạt lở đã chiếm khoảng 35%. Trung bình mỗi năm có 0,5 triệu ha đất và rừng ngập mặn bị xói lở. Đến thời điểm này, cả 7 tỉnh ven biển ở ĐBSCL đều đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển.

ĐBSCL là đồng bằng trẻ, thuộc hạ lưu sông Mekong, là vùng đất thấp, mềm yếu, khả năng chịu lực thấp và khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. Do đó, khi sạt lở bủa vây, nguồn lực đầu tư các công trình để ứng phó là không nhỏ. Theo ước tính, các chương trình, dự án phòng chống sạt lở cho ĐBSCL cần nguồn vốn lên tới 34.000 tỷ đồng, con số quá lớn so với ngân sách có hạn hiện nay. Bên cạnh việc khát vốn, vùng này còn "đói" cả giải pháp thích ứng hữu hiệu.

Những giải pháp phần lớn do các Bộ, ngành triển khai thí điểm, nhưng đến nay vẫn chưa có tổng kết, đánh giá hiệu quả thực tế. Do vậy, việc triển khai, nhân rộng gặp nhiều khó khăn, mạnh ai nấy làm. Theo các chuyên gia, giải pháp công trình cứng cần nguồn đầu tư lớn với chi phí thực tế từ 80 - 100 tỷ đồng/km, chỉ nên áp dụng ở những đoạn bờ biển xung yếu, sạt lở nghiêm trọng.

Có thể nói, việc ứng phó với sạt lở hiện nay đang rơi vào tình trạng "giật gấu vá vai", "sạt tới đâu, chống tới đó", nguồn vốn đầu tư tuy có lớn nhưng cũng không thấm vào đâu. Chính vì vậy, ngoài giải pháp công trình, toàn vùng đang cần một giải pháp thông minh, chủ động hơn, không chỉ loay hoay với các phương kế giữ đất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ bố trí đủ vốn để ĐBSCL ứng phó sạt lở, nhưng các địa phương phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng "đá ném ao bèo" như trong thời gian qua. Như vậy, ngoài công trình ứng phó khẩn cấp, các chuyên gia khuyến nghị các địa phương đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn cũng như hệ thống đê nhỏ ven biển. Giải pháp này ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả có thể không thua gì những công trình đê biển lớn.

Tìm giải pháp xử lý dứt điểm sạt lở ở ĐBSCL Tìm giải pháp xử lý dứt điểm sạt lở ở ĐBSCL

VTV.vn - Nhiều giải pháp phòng chống sạt lở tại ĐBSCLđược đề xuất trong đó, cần chú trọng ứng dụng KHCN mới để ứng phó trước những thay đổi dị thường của thời tiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.