3 bệnh lý dễ gặp phải do chứng táo bón kéo dài

icon
09:12 ngày 27/06/2018

VTV.vn - Táo bón là một rối loạn tiêu hóa thường gặp. Người bị táo bón có biểu hiện lâu ngày không đi đại tiện được, đau quặn bụng, phân rắn màu đen hay vón cục...

Ở một số người lại có biểu hiện là khi đại tiện rồi mà vẫn có cảm giác phân còn trong ruột, chưa được loại bỏ hết. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh, gây ra một số bệnh nguy hiểm sau:

Bệnh trĩ

Trĩ là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Áp lực của phân rắn do táo bón sẽ ngăn cản dòng máu chảy ra từ tĩnh mạch trong hậu môn và trực tràng, làm cho chúng trở nên dị thường. Do phải rặn mạnh khi đi đại tiện sẽ làm gia tăng áp lực ở bụng, làm giãn tĩnh mạch xa hơn và cũng đồng thời đẩy chúng ra khỏi vị trí thông thường trong mô. Kết quả là có thể dẫn tới trĩ ngoại, trĩ nội hoặc kết hợp cả hai. Trĩ nội thường không đau nhưng có thể gây chảy máu nhiều. Trong khi đó trĩ ngoại lại gây đau, ngứa, khó chịu.

Nứt kẽ hậu môn

3 bệnh lý dễ gặp phải do chứng táo bón kéo dài - Ảnh 1.

Táo bón kéo dài có thể tạo ra các vết nứt trên da xung quanh hậu môn, được gọi là các vết nứt hậu môn do phân cứng, rắn va chạm với cơ vòng hậu môn.

Táo bón kéo dài có thể tạo ra các vết nứt trên da xung quanh hậu môn, được gọi là các vết nứt hậu môn do phân cứng, rắn va chạm với cơ vòng hậu môn. Người bị nứt kẽ hậu môn thường gặp phải các triệu chứng như đau, ngứa và có một lượng máu đỏ tươi lẫn trong phân hoặc dính vào đồ lót. Trong nhiều trường hợp, vết nứt có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng áp xe, đòi hỏi người bệnh phải phẫu thuật để loại bỏ phần dịch mủ. Các vết nứt chỉ có thể chữa lành khi táo bón được giải quyết.

Sa trực tràng

BSCKII Nguyễn Thị Hằng - BV Thu Cúc cho biết: "Người thường xuyên bị táo bón lâu ngày, liên tục dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài có nguy cơ cao bị sa trực tràng. Sa trực tràng là tình trạng thoát xuống của phần trên trực tràng của hậu môn ra ngoài. Các triệu chứng của sa trực tràng là rò rỉ chất nhầy từ hậu môn, ngứa, đau và/hoặc chảy máu. Sa trực tràng thường được điều trị bằng phẫu thuật".

Để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm nêu trên, khi có biểu hiện bị táo bón, cần điều trị sớm. Trước hết người bệnh cần chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục. Nghỉ ngơi đầy đủ, chú ý đi đại tiện kịp thời, không nên nhịn lâu đề phòng táo bón. Nếu táo bón vẫn không thuyên giảm, cần đến gặp bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục