Các bước tầm soát ung thư phổi

P.V, icon
07:24 ngày 05/06/2018

VTV.vn -Tầm soát ung thư phổi là việc thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết để phát hiện bệnh ung thư phổi sớm, ngay khi bệnh chưa có biểu hiện.

Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt Nam và đứng thứ ba ở nữ giới. Bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và tiến hành điều trị tích cực.

Các triệu chứng bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý đường hô hấp và có một thực tế đáng buồn là có tới 70% người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và di căn (III, IV).

Tầm soát ung thư phổi được các bác sĩ khuyến khích nhằm mục đích phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, tăng cơ hội điều trị và cơ hội sống cho người bệnh.

Các bước tầm soát ung thư phổi

- Khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa ung bướu

Khám lâm sàng là bước không thể thiếu trong tầm soát bệnh ung thư. Khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ nắm được tình trạng sức khỏe hiện tại của người khám, tìm hiểu bệnh cá nhân, gia đình, một số triệu chứng bệnh nghi ngờ…

- Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư có những giá trị nhất định trong sàng lọc ung thư sớm. Xét nghiệm máu tuy không thể khẳng định chính xác bạn có mắc ung thư phổi hay không nhưng đây là xét nghiệm mang tính chất gợi ý, làm cơ sở để bác sĩ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu khác.

- Chụp X-quang

Hình ảnh thu được qua phim chụp X-quang giúp bác sĩ xác định vị trí, kích thước của khối u.

- Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực CT scan có thể phát hiện những bất thường sớm ở phổi như khối u với kích thước rất nhỏ mà chụp X quang phổi đôi khi không phát hiện được do bị che lấp.

Ai nên tầm soát ung thư phổi?

Các bước tầm soát ung thư phổi - Ảnh 1.

Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn những người bình thường

Tầm soát ung thư phổi được khuyến khích cho tất cả mọi người, đặc biệt là người trên 40 tuổi và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao như:

- Nghiện thuốc lá, thường xuyên tiếp xúc với môi trường có khói thuốc

- Phơi nhiễm khí radon trong thời gian dài

- Làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, amiang, chất tẩy rửa… Sống trong môi trường ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo, có chứa nhiều kim loại nặng

- Đã từng xạ trị vùng ngực

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư phổi…

Những người có các yếu tố nguy mắc mắc ung thư phổi nêu trên cần chủ động tầm soát ung thư phổi định kỳ. Bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn sớm, cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn việc phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục