Mình là học sinh khiếm thị đầu tiên học ở trường
Phạm Thị Huế sinh ra là một cô gái kháu khỉnh, khỏe mạnh thế nhưng càng lớn Huế lại càng bộc lộ điểm khác lạ với những đứa trẻ cùng trang lứa. Mỗi khi bố mẹ đưa đồ vật, Huế phải để sát mắt mới nhìn rõ mọi vật.
Cũng như bao gia đình khác, thu nhập chính của gia đình Huế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, tranh thủ lúc nông nhàn thì đan lát kiếm thêm thu nhập. Thương con, bố mẹ Huế vay mượn họ hàng, làng xóm đưa Huế gõ cửa từng bệnh viện, từng thầy thuốc những mong cứu vãn được đôi mắt. Kết quả, bác sĩ chuẩn đoán Huế bị thoái hóa võng mạc, thị lực chỉ còn lại 3/10. "Khi ấy bác sĩ nói rằng nếu mà mình đi học thì tới năm 14 tuổi sẽ không thể nhìn được nữa còn nếu không đi học đôi mắt sẽ giữ được tới năm 18 tuổi" – Huế chia sẻ về quãng thời gian nhận thông tin từ bác sĩ.
Mẹ Huế là nguồn động lực lớn nhất giúp Huế vững bước trong cuộc sống
Cánh cửa tâm hồn đã buông rèm khi Huế học lớp 7, mọi thứ xung quanh chuyển hóa từ màn sương mờ ảo sang một màu đen vĩnh viễn. Tưởng như việc học từ đây mà đứt gánh nhưng không, Huế có một suy nghĩ khác: "Mình quyết định đi học bởi mình không muốn trở thành một người mù chữ, không muốn thành gánh nặng của xã hội". Và cứ thế cuộc sống của Huế là chuỗi ngày rời xa gia đình sống tự lập để học chữ nổi tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, và quyết định nộp hồ sơ xin học vào trường THPT Trần Nhân Tông: "Mình là người khiếm thị đầu tiên học ở đây" –Huế tự hào chia sẻ.
Khi yêu thương được nhận và nối tiếp sự gửi trao
Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Huế về công tác tại Hội người mù huyện Lương Tài, sau sự phấn đấu Huế được mọi người tin tưởng giao đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch, Trưởng ban công tác Phụ nữ và Trẻ em mù tỉnh Bắc Ninh.
Dù bận rộn với công tác trong Hội người mù, Huế vẫn luôn ấp ủ ước mơ mở lớp dạy tiếng Anh cho những em nhỏ tại quê hương. "Ngày trước mình đi học luôn được bạn bè và những người xung quanh giúp đỡ nên mình muốn làm một công việc gì đó để giúp đỡ thêm những người khác" – Huế chia sẻ về lý do ấp ủ những mong ước của mình.
Lớp học của Phạm Thị Huế có gần 200 học sinh từ độ tuổi Tiểu học tới THPT
Cho tới hiện tại, lớp học của Huế thu hút tới gần 200 học sinh theo học với đủ các độ tuổi từ tiểu học tới Trung học phổ thông Sau gần 2 năm mở lớp học, cô giáo Huế đã nhận "quả ngọt" là thành tích học tập của các em học sinh nơi đây. Có rất nhiều các em học sinh trước đây chưa đi học chỉ được 5, 6 điểm nhưng giờ có em đã có thể được 10 điểm.
Có người đã từng nói rằng "Yêu thương sẽ làm giàu thêm cho người nhận nhưng không hề làm nghèo đi người gửi trao" – Huế hạnh phúc giãi bày.