Hiện nay, nhiều thông tin cho rằng giá cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc giá cước rẻ lại không đồng nghĩa với việc Việt Nam trở thành thiên đường của dịch vụ 3G bởi chất lượng dịch vụ chưa thực sự làm vừa lòng khách hàng trong nước.
Hiện nay, hầu hết mọi người dân đều biết đến 3 “ông lớn” ngành viễn thông là Viettel, Vinaphone và Mobifone. Ba nhà mạng này gần như chiếm lĩnh thị trường viễn thông khi chiếm thị trường trên 90%, riêng Viettel thị trường chiếm trên 51%, thường những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì giá thành tương đối cao. Bên cạnh đó, trong những năm qua, top 10 doanh nghiệp đóng thuế cao nhất cả nước có đến 2 doanh nghiệp thuộc ngành bưu chính viễn thông là Viettel và Mobifone. Số tiền nộp thuế càng nhiều đồng nghĩa với lợi nhuận lớn, lợi nhuận đấy được thu trên cơ sở giá cao và chi phí thấp.
Dịch vụ 3G cung cấp cho khách hàng vẫn còn thấp so với số tiền mà người dân bỏ ra.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Theo số liệu, giá cước viễn thông xung quanh khu vực là khoảng 16 USD. Nếu so sánh với giá cước 3G tại Việt Nam thì như vậy là quá rẻ, thế nhưng việc so sánh này tương đối khập khiễng, số liệu của các nước khác có đúng như vậy hay không? Bên cạnh đó, chúng ta mới chỉ so sánh đầu ra mà chưa so sánh đầu vào. Những yếu tố đầu vào vẫn còn rất thấp, ví dụ như về mặt chất lượng dịch vụ hoàn toàn thua xa nước bạn vậy nên so sánh như vậy là không cân đối”. Ông Ngô Trí Long rút ra kết luận rằng chỉ qua kết quả hoạt động nộp thuế của hai doanh nghiệp viễn thông cũng thấy rằng mức lợi nhuận cao như vậy chứng tỏ giá cả chưa hợp lý.
3G là sản phẩm hàng hóa đặc biệt vậy nên nó cần có sự quản lý đặc biệt. Hiện trong lĩnh vực viễn thông, những nhà mạng tại Việt Nam đều đang ở nhóm thống lĩnh và chi phối. Trên thực tế, dù các doanh nghiệp viễn thông về hình thức là cạnh tranh mạnh mẽ nhưng thực chất là đang độc quyền. Chỉ cần một nhà mạng đưa ra chính sách giá cả này thì nhà mạng khác cũng đưa ra một chính sách tương tự, cuối cùng đưa đến một xu hướng là bắt chẹt người tiêu dùng, tăng giá nhưng chất lượng không đổi. Nhìn chung, từ việc quản lý đến chi phối, cạnh tranh đều không đạt được mục tiêu thực sự. Do đó nhà nước cần quản lý sâu hơn, tránh việc các doanh nghiệp tự quyết định giá dẫn đến tình trạng không khách quan và ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Hiện nay, khách hàng sử dụng 3G vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ quyền lợi, mỗi hóa đơn cước phí hàng tháng hoàn toàn không có cơ quan kiểm chứng. Một số tổ chức như Hội bảo vệ người tiêu dùng hay các cơ quan chức năng có kiểm tra nhưng chưa đưa ra được kết luận, điều này dẫn đến sự bất hợp lý và thiệt thòi cho người dân. Bên cạnh đó, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý, vậy nên dẫn đến việc cơ quan kiểm định và giám sát cùng một Bộ, cùng một lĩnh vực nên rất khó để kiếm chứng và không được khách quan.
Ông Ngô Trí Long cũng cho biết quan điểm của mình: “Theo tôi, đối với ngành viễn thông cần có một sự thay đổi về mặt chi phí, giá cả. Hay nói cách khác là phải có một cơ quan kiểm toán trung thực về lĩnh vực này. Mà muốn kiểm toán được lĩnh vực này thì đơn vị thực hiện không chỉ cần am hiểu về kinh tế mà còn phải hiểu rất sâu về lĩnh vực chuyên môn, đồng thời phải hết sức khách quan và trung thực”. Hiện câu chuyện về cước phí 3G và quản lý viễn thông vẫn là một câu hỏi lớn chưa được giải đáp. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc hơn nữa để làm rõ những bức xúc của người dân và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!