Ăn Tết và du lịch: những điều người đái tháo đường cần biết

Linh Chi, icon
03:18 ngày 10/02/2019

VTV.vn - Trong dịp Tết, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc biến chứng, có thể gặp rủi ro trong chẩn đoán và điều trị bệnh khi đi du lịch, đi thăm viếng...

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân Dân 115, ngày Tết là kỳ nghỉ dài, với người bệnh đái tháo đường thì đây là một khoảng thời gian thoải mái, ít để ý về sức khỏe, sinh hoạt đảo lộn (ăn ngủ thất thường, không tập thể dục), ngại đến cơ sở y tế hoặc chủ quan vượt tuyến y tế trong tình trạng sức khỏe nguy hiểm hay không thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết còn có nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ ngộ độc thức ăn, nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Trong khi đó, hệ thống y tế cơ sở lại ít ỏi, khó tìm hơn ngày thường.

Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở người bệnh đái tháo đường trong dịp Tết bao gồm: đột qụy não cấp (nhồi máu não, xuất huyết não), bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim), nhiễm trùng bàn chân, đường huyết cao hay thấp quá mức…

Đột quỵ não cấp (nhồi máu não, xuất huyết não)

Yếu tố thúc đẩy: tăng huyết áp không kiểm soát; ngưng thuốc hạ áp; ăn nhiều thức ăn chứa nhiều muối trong dịp Tết (củ hành, kiệu, dưa chua, dưa món, chả lụa, giò thủ, đồ khô…); đường huyết quá dao động…

Khi gặp các dấu hiệu đột quỵ, mọi người cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

Bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim)

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu đến cơ tim bị tắc nghẽn cấp tính. Yếu tố thúc đẩy nhồi máu cơ tim cũng tương tự yếu tố thúc đẩy đột quỵ.

Nhồi máu cơ tim có các dấu hiệu: mệt, khó thở, cảm giác nặng ngực nhất là sau gắng sức hoặc rất mơ hồ. Với người đái tháo đường kiểm soát kém, hút thuốc lá, huyết áp cao… nếu có các dấu hiệu trên càng nghi ngờ nhiều là nhồi máu cơ tim.

Nhiễm trùng bàn chân

- Nhiễm trùng bàn chân có dấu hiệu: bàn chân sưng, đỏ, chảy dịch mủ…

- Đi giày dép không phù hợp (thường là giày dép mới) và tâm lý ngại khám bệnh vào ngày Tết là yếu tố thúc đẩy nhiễm trùng bàn chân.

- Đường huyết cao hay thấp quá mức.

Do đó, để ăn tết và du lịch an toàn, ThS.BS Võ Tuấn Khoa khuyến cáo người bệnh đái tháo đường trong dịp tết:

- Về ăn uống:

Không nên: nhậu nhẹt say sưa; tự ý dùng các thuốc làm giảm đường huyết sau ăn mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nên: đối với tiệc ngày Tết, nên ăn lượng thức ăn nhỏ; tránh tăng đường huyết sau ăn; tránh hạ đường huyết do chờ quá lâu

- Về vận động:

Không nên: nằm nhà nghỉ ngơi suốt trong dịp Tết

Nên: tận dụng hoạt động thể lực dưới hình thức: trang trí, dọn dẹp nhà, đi mua sắm Tết, thăm người thân và bạn bè

- Về việc khám bệnh, dùng thuốc:

Không nên: kiêng cữ việc đi khám bệnh định kỳ hay khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào

Nên: tiếp tục dùng thuốc, chích thuốc đều đặn; điều chỉnh huyết áp, đường huyết; chuẩn bị dư hoặc đủ thuốc; học cách tiêm insulin hoặc chuyển sang bút tiêm tiện lợi; nên khám ngay (trong Tết) khi có bất thường sức khỏe; nên thử đường huyết bằng máy cá nhân (nếu có).

- Khi đi chơi, du lịch:

Không nên: đi chơi xa hay du lịch mà không có kế hoạch trước; di chuyển quá nhiều địa điểm hay quãng đường quá xa. Cần cân nhắc trước khi tham gia trò chơi mạo hiểm. Nói không với các hoạt động kém an toàn.

Nên: đem theo máy thử đường huyết cá nhân; tự khám bàn chân mỗi ngày; chuẩn bị dư thuốc, kể cả insulin; chuẩn bị toa thuốc (tiếng Anh nếu đi nước ngoài); phải mua bảo hiểm chuyến đi du lịch…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục