Anh chi 10 triệu USD nghiên cứu tác động lâu dài của COVID-19

Nhật Anh, icon
03:29 ngày 08/07/2020

VTV.vn - Chính phủ Anh đầu tư 8,4 triệu bảng (hơn 10 triệu USD) để nghiên cứu về những ảnh hưởng lâu dài của bệnh COVID-19 đối với sức khỏe người bệnh.

Hình: CNN

Thông báo được Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đưa ra, cho biết: "Trong khi cuộc chiến với đại dịch vẫn tiếp diễn, chúng ta ghi nhận ngày càng nhiều hậu quả căn bệnh để lại đối với sức khỏe. Đó không chỉ là những tác động ngắn hạn, mà là ảnh hưởng lâu dài đối với thể chất, tinh thần".

Nghiên cứu của chính phủ Anh được thực hiện bởi Đại học Leicester và nhiều bệnh viện. Các nhà khoa học thu thập mẫu bệnh phẩm từ 10.000 người mắc COVID-19, phân tích bằng các loại máy móc tiên tiến. Dữ liệu thu được có thể sử dụng điều trị cho các bệnh nhân mới.

Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo bên cạnh vấn đề về hô hấp tức thời, virus SARS-CoV-2 còn khiến người bệnh gặp phải các vấn đề dai dẳng, ngay cả khi đã khỏi. Theo báo cáo, nhiều người bị mệt mỏi, đau cơ và kém tập trung. Ông Hancock cho biết: Hiện rất khó để đánh giá quy mô của hiện tượng này.

"Một trong những thách thức lớn nhất là còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết. Các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt lý do khác nhau khiến người mắc COVID-19 gặp phải tình trạng trên" - theo Giáo sư Chris Brightling, Khoa Y hô hấp, Đại học Leicester, người đứng đầu nghiên cứu.

Anh chi 10 triệu USD nghiên cứu tác động lâu dài của COVID-19 - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Anh. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo được công bố hồi tháng 2, dựa trên các dữ liệu sơ bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho thấy những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ thường mất khoảng hai tuần để hoàn toàn phục hồi. Thời gian của bệnh nhân nghiêm trọng hơn là từ 3 đến 6 tuần.

Tuy nhiên, cũng có những người chỉ nhiễm bệnh thể nhẹ phải vật lộn bởi các di chứng, bao gồm mệt mỏi, kéo dài hàng tháng, dù đã âm tính với virus. Trong khi đó, các bệnh nhân nặng, điều trị trong khu hồi sức tích cực, thường bị yếu cơ. Căn bệnh cũng có thể tạo ra cục máu đông ở phổi và các bộ phận khác trên cơ thể, dẫn đến đột quỵ. Sau thời gian điều trị kéo dài, một số người bị sang chấn tâm lý, rối loạn lo âu, thậm chí trầm cảm.

Tìm hiểu về những ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 cũng giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về hiện tượng suy nhược nói chung.

Nhiều phân tích trước đây cho thấy: Các ổ dịch truyền nhiễm, bao gồm virus epstein-barr (gây bệnh herpes) hoặc sốt Q, là nguyên nhân dẫn đến hội chứng mệt mỏi mạn tính. Một nghiên cứu về bệnh SARS cũng chỉ ra rằng: gần 1/3 bệnh nhân đã giảm thiểu thời lượng tập thể dục nhiều tháng sau đó, dù chức năng phổi bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục