Bé gái thường xuyên chảy máu mũi vì túi phình động mạch cảnh trong trái

Linh Chi, icon
08:48 ngày 03/10/2021

VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận bé gái 13 tuổi, trú tại quận Bình Tân trong tình trạng khó thở tím tái, tay chân lạnh, mặt, chân tay xanh mét.

Bệnh nhi được theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Khai thác bệnh sử ghi nhận: Bệnh nhi thường xuyên chảy máu mũi tự cầm, có vào bệnh viện địa phương 2 lần, khám điều trị viêm mũi xoang, tình trạng cải thiện xuất viện. Lần này, bệnh nhi chảy máu mũi nhiều, ói, mệt, người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị.

Tại đây, ghi nhận bệnh nhi tím tái, khó thở, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp 70/50mmHg, chi lạnh, da xanh. Các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhi bị sốc mất máu do chảy máu mũi lượng nhiều, phân biệt với xuất huyết tiêu hóa.

Xét nghiệm thể tích khối hồng cầu khẩn còn 16% cho thấy bệnh nhi mát máu nhiều; xét nghiệm khí máu động mạch cho thấy tình trạng toan chuyển hóa rất nặng và chỉ số Lactate máu tăng cao 9,5mmol/L cho thấy tình trạng thiếu tưới máu mô rất nặng.

Bệnh nhi được xử trí hỗ trợ hô hấp, truyền dịch chống sốc, truyền máu hồng cầu lắng, vitamin K1, đặt ống thông dạ dày, hội chẩn bác sĩ chuyên khoa tai mũi học nhét meche mũi cầm máu. Tình trạng bệnh nhi cải thiện, huyết động ổn định, thể tích khối hồng cầu đạt 36 - 38%. Các bác sĩ rút meche mũi sau 5 ngày, không thấy chảy máu thêm.

Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, bệnh nhi lại tiếp tục chảy máu mũi, lượng nhiều gây sốc mất máu, suy hô hấp. Các bác sĩ tiến hành hồi sức hô hấp tuần hoàn: đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch truyền máu chống sốc, truyền huyết tương tươi đông lạnh, bổ sung calcium truyền tĩnh mạch.

Tình trạng bệnh nhi dần cải thiện, được hội chẩn bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh, chụp mạch máu não bằng kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền. Kết quả ghi nhận: bệnh nhi có túi phình động mạch cảnh trong trái gần xoang hang cạnh vùng xoang mũi, khi bị xì vỡ gây chảy máu mũi. Các bác sĩ đã luồn một dây dẫn chuyên dụng đưa các coil (sử dụng 8 coil) vào đúng túi phình để lấp bít lại.

Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, được cai máy thở, thở khí trời, huyết động ổn định, tỉnh táo, được xuất viện và được hẹn tái khám định kỳ.

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp túi phình hiếm gặp ở trẻ em nguyên nhân có thể do sau chấn thương, viêm mạch máu, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm… gây tổn thương vi mô của thành động mạch… Ngoài ra, ở người lớn hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, tăng huyết áp hoặc đối tượng nghiện hút… có nguy cơ phình mạch.

Qua trường hợp này, các bác sĩ lưu ý: Phụ huynh khi thấy trẻ bị chảy máu mũi, hãy lập tức sơ cứu cho trẻ ngửa cổ về phía sau, lấy ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái đè chặt vào cánh mũi bên chảy máu, hướng dẫn trẻ thở bằng miệng. Sau đó, đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tìm nguyên nhân chảy máu mũi để có hướng điều trị thích hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục