Bệnh dại có xu hướng gia tăng

Văn Thành, icon
10:12 ngày 17/04/2021

VTV.vn - Tại Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bệnh dại trên người và trên động vật có xu hướng tăng ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hình minh họa.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong. Chỉ có tiêm vaccine mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Theo bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021, đã có 8 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2019.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trong 3 tháng đầu năm 2021 có tới 2.100 liều vaccine dại được tiêm cho người dân.

Bệnh dại đã xảy ra ở 18/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong đó có Đồng Nai, tập trung nhiều ở các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, ghi nhận hàng chục ổ dịch dại trên chó, mèo, cho thấy virus dại tồn tại và lưu hành trên động vật, nguy cơ rất lớn đối với cộng đồng.

Bệnh dại có xu hướng gia tăng - Ảnh 1.

Người dân tới tiêm phòng vaccine dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai

Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine.

Bệnh dại tiến triển qua nhiều giai đoạn: giai đoạn tiền triệu chứng thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập; giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.

Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và tử vong do liệt cơ hô hấp.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại, người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong, tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng tránh được tử vong nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine kịp thời, đúng và đầy đủ.

Để chủ động phòng chống bệnh dại người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Tại Đồng Nai, từ tháng 1/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai chính sách hỗ trợ 100% chi phí tiêm vaccine bệnh dại cho người nghèo, theo quy định hiện hành của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai về chuẩn hộ nghèo. Nhằm nâng cao cơ hội cho những người thuộc hộ nghèo bị phơi nhiễm với bệnh dại được tiếp cận với dịch vụ tiêm vaccine phòng dại kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dại. Do đó, người dân khi bị phơi nhiễm với bệnh dại cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục