Cách giảm sử dụng muối trong thực phẩm gói ăn liền

P.V, icon
12:11 ngày 02/05/2019

VTV.vn - Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: việc tiêu thụ quá nhiều muối là nguyên nhân góp phần gia tăng bệnh tăng huyết áp, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ.

Hình minh họa.

Theo bác sĩ Vũ Quỳnh Hoa, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, mỗi năm, có 17,7 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, tương đương khoảng 30% tổng số trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp và 2 triệu người mắc bệnh tim, tỷ lệ người bị bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 33% tổng số trường hợp tử vong.

Một trong những yếu tố dẫn tới bệnh tăng huyết áp là do ăn nhiều muối. Các thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày đều chứa lượng muối nhất định, trong đó các thực phẩm ăn liền thường chứa lượng muối khá nhiều.

Thực phẩm gói ăn liền gồm mì, miến, bún, phở... là những món ăn chế biến nhanh, tiện dụng, giá cả hợp lý… Cùng với sự thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội, thực phẩm gói ăn liền được sử dụng ngày càng rộng rãi. 

Tuy nhiên, lượng muối trung bình trong mỗi gói sản phẩm ăn liền là khoảng 5 gam tương đương với nhu cầu khuyến nghị muối một ngày của người trưởng thành (dưới 5 gam/ người/ ngày, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Như vậy chỉ cần ăn một sản phẩm ăn liền là chúng ta đã đủ lượng muối cho cơ thể. Thế nhưng trong một ngày, mỗi người không chỉ ăn một sản phẩm ăn liền mà còn ăn những loại thức ăn khác. Do đó, lượng muối đưa vào cơ thể thường cao hơn nhu cầu. 

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm gói ăn liền đã không ghi hàm lượng muối trên nhãn của sản phẩm, dẫn đến việc người dân không chú ý đến lượng muối ăn vào từ các sản phẩm này.

Mục tiêu toàn cầu đến năm 2025 là giảm 30% lượng muối trung bình mà người dân sử dụng trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực để giảm tiêu thụ muối ăn thông qua việc thực hiện Chiến lược quốc gia để giảm lượng muối trong các thực phẩm chế biến sẵn như Phần Lan, Anh, New Zealand, Hàn Quốc, Nam Phi… Thay đổi trong các chính sách về sản xuất lương thực, ký kết các thỏa thuận tự nguyện với ngành công nghiệp thực phẩm, luật về giảm dần muối trong các mặt hàng thực phẩm chế biến và y tế công cộng được thực hiện ở cấp quốc gia đã góp phần quan trọng vào việc giảm muối ăn trong khẩu phần, góp phần cải thiện tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch.

Nhằm hạn chế lượng muối trong các gói sản phẩm ăn liền cũng như trong khẩu phần ăn hàng ngày, nên:

- Chọn các gói ăn liền có ghi rõ hàm lượng muối trên nhãn của sản phẩm.

- Tự nấu ăn để kiểm soát lượng gia vị mặn sử dụng.

- Hạn chế hay chỉ cho một lượng nhỏ gia vị mặn khi nấu. Hạn chế chấm hay bổ sung gia vị mặn khi ăn.

- Thêm trứng hoặc thịt (gà, heo, bò…) và rau xanh để cân đối dinh dưỡng, sử dụng các gia vị không mặn khác (tiêu, ớt, chanh…) để ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối.

- Không nên cố gắng uống hết nước súp.

Để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh tăng huyết áp và bệnh tim mạch, bên cạnh việc duy trì một lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, hạn chế rượu, bia, tích cực vận động, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn giảm muối ngay từ hôm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục