Cách nhận biết trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết bạn nên biết

Thu Thủy, icon
04:22 ngày 11/08/2016

VTV.vn - Một trong những triệu chứng nổi trội nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết như: sốt cao đột ngột trên 38 độ, kéo dài trong 2 - 7 ngày, trẻ có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: eva.vn)

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, tập trung vào một số tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, TP. HCM, Bình Phước, đặc biệt tăng cao tại 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sốt xuất huyết nhất nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi trẻ bị sốt xuất huyết thường có các triệu chứng như sốt cao đột ngột trên 38oC, kéo dài trong 2 - 7 ngày, trẻ có cảm giác mệt mỏi, chán nản, buồn nôn. Ngoài ra, với các trẻ lớn thường có thêm những biểu hiện như: nhức đầu, nhức ở quanh vùng hốc mắt, đau mỏi cơ khớp.


Sốt xuất huyết đã bùng phát tại bốn tỉnh Tây Nguyên.

Sốt xuất huyết đã bùng phát tại bốn tỉnh Tây Nguyên.

“Giai đoạn bệnh nặng thường xảy ra vào ngày thứ 3-6 của bệnh. Trẻ có dấu hiệu như đau bụng nhiều, ói nhiều, bứt rứt, vật vã, tay chân lạnh… Ngoài ra, dấu hiệu xuất huyết xuất hiện rõ như: chảy máu mũi, chảy máu răng, ói ra máu, và cầu phân đen” - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Đồng thời, cha mẹ cần phát hiện kịp thời những dấu hiệu nặng như: bứt rứt vật vã, xuất huyết bất thường, đau bụng… để đưa trẻ đến bệnh viện khám và chữa trị kịp thời cho trẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết thêm, khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống, làm cho trẻ dễ thiếu nước. Vì vậy, cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh, cha mẹ nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước (nước chín đun sôi), nước trái cây, ăn thức ăn mềm như: cháo, sữa, súp; không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân trong vùng dịch bệnh nếu bị sốt thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết, sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm 2016 là do sự tác động của thời tiết, đặc biệt hiện tượng El Nino đã xảy ra hạn hán tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung những tháng đầu năm nên người dân tăng tích trữ nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng (bọ gậy) phát triển.

Do đó, để triển khai có hiệu quả việc loại trừ các ổ dịch sốt xuất huyết, hạn chế số trường hợp mắc tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, cần huy động được sự tham gia tích cực của người dân, cùng chung tay diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một số lưu ý trong phòng chống sốt xuất huyết:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng

- Thả cá vào chum, vại, bể nước và các dụng cụ chứa nước lớn để diệt bọ gậy

- Thay rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên

- Thường xuyên thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước tủ lạnh

- Loại bỏ các vật phế thải như chai, lọ, lốp xe cũ các hốc chứa nước. Lật úp dụng cụ chứa nước chưa sử dụng không cho muỗi đẻ trứng

- Ngủ màn, mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục