Cẩn trọng với những vết sâu răng

Văn Thành, icon
08:41 ngày 28/05/2020

VTV.vn - Quá trình sâu răng diễn ra rất chậm và đôi khi sâu răng có thể tồn tại và phát triển mà không biểu lộ bất kì triệu chứng nào.

Áp xe trên mặt ở một bệnh nhân sâu răng.

Theo bác sĩ Biện Thị Ái Nhi, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ, sâu răng là tình trạng răng xuất hiện các lỗ nhỏ trên các mặt răng phát triển lớn dần theo thời gian, xảy ra khi lớp men bảo vệ răng bị ăn mòn bởi axít và vi khuẩn. Khi lớp men mất đi, các lỗ nhỏ tiếp tục phát triển sâu vào răng và dẫn đến tình trạng "sâu răng".

Do cấu trúc của răng lớp men bảo vệ bên ngoài là lớp cứng chắc nhất nên khi sâu răng qua được lớp men thì xâm nhập vào các lớp bên trong rất nhanh. Nếu điều trị không kịp thời, vị trí sâu sẽ dần đến tủy răng.

Tủy răng bao gồm dây thần kinh và mạch máu thế nên khi sâu răng xâm nhập vào đến đây một loạt các triệu chứng đau nhức, sưng tấy và nhiễm trùng sẽ xảy ra. Cách để điều trị là bạn phải gặp nha sĩ, nha sĩ sẽ giúp bạn vệ sinh chỗ sâu, lấy đi tất cả các mô bệnh lý sau đó trám răng lại hoặc sử dụng biện pháp áp fluor tại chỗ giúp xoang sâu ngưng tiến triển. Tuy nhiên, việc phát hiện một xoang sâu ở giai đoạn sớm sẽ rất khó khăn, đặc biệt những xoang sâu răng ẩn mình, sâu răng ở những vị trí khó phát hiện.

Có một số dấu hiệu chứng tỏ sâu răng đang hình thành hoặc đã xâm chiếm gần hết răng. Nếu thấy các triệu chứng sau đây bạn nên đi gặp nha sĩ:

- Điểm đổi màu trên răng: Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của sâu răng hay nhiễm fluor, điểm đổi màu là nơi mất khoáng của men răng. Lúc này tình trạng vẫn còn khắc phục được nên bạn cần hành động ngay nếu thấy dấu hiệu như vậy.

- Răng đột nhiên trở nên nhạy cảm: Nhạy cảm răng thường xảy ra sau khi dùng thức ăn hoặc thức uống ngọt, nóng hay lạnh. Nhạy cảm không hoàn toàn là dấu hiệu sâu răng và nhiều người có răng nhạy cảm khi tình trạng vẫn bình thường. Tuy nhiên nếu trước đây bạn chưa từng bị nhạy cảm răng, và đột ngột có cảm giác này khi dùng một số thực phẩm hoặc thức uống nhất định, đây có thể là dấu hiệu đáng lo.

- Đau hoặc ê buốt khi ăn nhai: Khi sâu răng tiến triển đến mức ảnh hưởng đến dây thần kinh của răng, bạn sẽ cảm thấy đau nhức liên tục hoặc không liên tục ở chiếc răng đó, cảm giác đau nặng hơn khi ăn hay uống.

Trên răng xuất hiện lỗ sâu nhìn thấy được gây mắc thức ăn khi ăn nhai. Đây là dấu hiệu sâu răng đã nặng và xoang sâu đã xâm nhập vào răng khá nhiều.

Tuy nhiên, có những xoang sâu có thể tồn tại lâu và lớn dần theo thời gian mà không biểu hiện triệu chứng, thậm chí xâm nhập vào mô tủy gây viêm nhiễm. Nhiều bệnh nhân không đau nhức hay khó chịu đến khi tủy hoại tử tạo nên áp xe vùng quanh chóp hoặc nặng hơn nữa, khối áp xe này xâm nhập vào các mô lân cận gây viêm mô tế bào vùng hàm mặt.

Viêm mô tế bào vùng hàm mặt 90% nguyên nhân xuất phát từ nhiễm trùng quanh chóp hoặc mô nha chu răng. Ổ nhiễm trùng nguyên phát từ miệng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nhiễm khuẩn thứ phát hoặc gây nhiễm khuẩn thứ phát vào các khoang vùng cổ mặt gây nên các biến chứng nhiễm khuẩn xa. Nếu tình trạng viêm nhiễm không được kiểm soát tốt, nhất là ở những bệnh nhân có bệnh lý nền đặc biệt là bệnh đái tháo đường, khối áp xe này nhanh chóng lan tỏa vào các mô lân cận gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

Do đó, các bác sĩ lưu ý: nNgười dân nên khám răng định kì mối 6 tháng/lần và có thể nhanh hơn nữa ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt hoặc có bệnh lý nền như: phụ nữ mang thai và cho con bú, người có bệnh đái tháo đường, người lớn tuổi….

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục