Cảnh báo ngộ độc hải sản trong dịp hè

Minh Đức, icon
12:17 ngày 12/06/2018

VTV.vn - Vào mùa hè, khi nắng nóng dài ngày khiến thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nhất là những thực phẩm giàu đạm như các loại hải sản.

Mùa nóng là thời điểm các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là dịp hè, khi nắng nóng dài ngày khiến thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, nhất là những thực phẩm giàu đạm như các loại hải sản.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai), mùa hè là mùa du lịch biển, nhu cầu sử dụng các loại hải sản tăng cao, các gia đình nên chú ý khi sử dụng loại thực phẩm này để tránh ngộ độc, nhiễm độc do hải sản. Bác sĩ Nguyên cho hay, việc ngộ độc thực phẩm xuất phát từ 2 nhóm nguy cơ. Một nhóm là do vi khuẩn có trong thực phẩm ôi thiu, nhóm còn lại là do độc tố có trong thực phẩm.

Bác sĩ cho biết, nhóm thứ nhất thường dễ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian đầu hè, nhiệt độ và độ ẩm trong không khí cao là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển, khiến thức ăn ôi thiu khi không được bảo quản đúng cách, đặc biệt là thực phẩm làm từ động vật hay hải sản do giàu đạm. Biểu hiện chính khi bị ngộ độc nhóm này là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mất nước, tụt huyết áp...

Còn nhóm ngộ độc thứ hai thường gặp trong các loại hải sản có độc tố như một số loại ốc, sam so, bạch tuộc vòng xanh và cá nóc. Vậy nên khi du lịch biển, người dân không nên ham thích ăn các loại thực phẩm độc lạ, nếu biết hải sản chứa sẵn độc tố cần phải tránh ngay. Ngoài ra, khi xuất hiện hiện tưởng thủy triều đỏ thì cần tránh ăn hải sản được đánh bắt tại khu vực đó.

Các chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo các biện pháp để giúp thực phẩm trở nên an toàn hơn nhằm bảo quản và chế biến thực phẩm được an toàn, đồng thời phòng tránh nghộ độc thực phẩm do thực phẩm bị ô nhiễm, góp phần tránh các bệnh do thực phẩm nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, người dân khi chế biến đồ ăn cần giữ mọi thứ sạch bao gồm rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên phải rửa tay trong quá trình chế biến thực phẩm; rửa và vệ sinh tất cả các dụng cụ, các bề mặt được sử dụng để chế biến thực phẩm…

Để riêng thực phẩm chín với thực phẩm sống. Đun nấu kỹ. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn. Dùng nguồn nước sạch, lựa chọn các thực phẩm tươi sống an toàn.

Liên quan đến vấn đề ngộ độc hải sản, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý về việc khách du lịch có thể bị nhiễm độc do sinh vật biển gây ra khi đi tắm biển. Phổ biến nhấn vẫn là nhiễm độc do bị sứa châm, hiện tượng thường gặp là tổn thương tại chỗ, buốt, đau. Còn nếu ấu trùng sứa châm thì gây cảm giác đau, mụn rải rác. Nếu bị sứa châm thì cần dùng dấm, chanh rửa vết thương tại chỗ sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Ngoài nguy cơ nhiễm độc từ sứa, người dân cũng cần chú ý những sinh vật biển khác như cá mặt quỷ, nhím cầu gai, bạch tuộc vòng xanh...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục