Cảnh báo nhiều ca nhập viện do thời tiết nắng nóng

Minh Đức, icon
03:06 ngày 26/06/2019

VTV.vn - Do thời tiết nắng nóng, các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca nhập viện do cháy nắng, bỏng nắng, sốc nhiệt, đột quỵ...

Những ngày vừa qua, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc chìm trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 40 độ C, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là sức khỏe. Theo thông tin từ các bệnh viện tại Hà Nội, những ngày nắng nóng đã tiếp nhận nhiều ca nhập viện vì bỏng nắng, cháy nắng, đột quỵ do làm việc ngoài trời nắng.

Được biết, tại bệnh viện Da liễu TƯ, bệnh nhân đến khám và điều trị những bệnh liên quan đến da trong những ngày nóng gay gắt đã tăng 15 - 20% so với thường ngày. Các bệnh phổ biến thường là rôm sảy, mụn trứng cá, nấm da, rám da, viêm nang lông... Một số trường hợp khác đến khám do da cháy nắng, bỏng nắng đau rát. Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh (BV Da liễu TƯ) cho hay, những người dễ bị bệnh nhất là những người thường xuyên phải lao động ngoài trời, tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng khiến da bị tổn thương. Bên cạnh đó, những người bơi lội ở bể bơi ngoài trời khi chưa tắt nắng cũng có thể khiến da bị tổn thương.

Bác sĩ cho biết, bệnh thường gặp vào mùa hè như bệnh nấm da sẽ xuất hiện khi da đổ quá nhiều mồ hôi giữa tiết trời nóng bức. Da sẽ xuất hiện các đốm tròn hồng, có mụn nước và gây ngứa ngáy khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thời tiết oi bức, nắng nóng gây nên mụn trứng cá. Bởi vi khuẩn sẽ cơ cơ hội xâm nhập vào lớp biểu bì, đặc biệt là trên khuôn mặt. Bệnh viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. Người mắc bệnh viêm nang lông thường gặp phải các triệu chứng khó chịu như ngứa ngáy, nổi mụn mủ, xuất hiện sẩn... Nếu không chủ động điều trị bệnh thì nó có thể lan rộng ra toàn bộ nang lông như viêm chân tóc và để lại biến chứng thành nhọt, gây viêm mô dưới làn da.

Ngoài những bệnh lý về da, các khoa cấp cứu tại các bệnh viện cũng phải thường xuyên tiếp nhận các ca nhập viện vì say nắng, say nóng, sốc nhiệt, đột quỵ tăng cao. Bên cạnh đó, cũng có những ca bệnh đi khám vì viêm họng, viêm phổi, cảm cúm do nằm điều hòa nhiệt độ thấp, uống nước đá để tránh nóng.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, để điều trị say nắng, say nóng ở ngoài bệnh viện, điều đầu tiên là phải đưa ngay bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, vào chỗ râm mát; lúc này cởi bớt quần áo tạo sự thoáng mát cho người bệnh; đắp khăn ướt hoặc nước đá vào cổ, nách, gáy... quạt cho bệnh nhân, có thể phun nước lạnh vào người; cho thở oxy; đặt đường truyền tĩnh mạch và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, người bệnh cần được theo dõi sát nhiệt độ trực tràng và da; tiếp tục làm mát thân nhiệt cho người bệnh; cho bệnh nhân vào phòng điều hòa nhiệt độ từ 20-22 độ C; sử dụng giường chống nóng đặc biệt, đảm bảo nhiệt độ da từ 32-33 độ C; quạt liên tục và sử dụng các biện pháp chuyên môn điều trị cho người bệnh như sử dụng thuốc, dịch truyền, thuốc vận mạch...

Để phòng bệnh và tránh nguy cơ bệnh tăng nặng đối với những người có tiền sử bệnh mạn tính trong điều kiện nắng nóng gay gắt hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo: người dân cần tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ; người bệnh mạn tính phải tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế làm việc hay vận động nhiều ngoài trời nhằm đề phòng giãn mạch quá mức…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục