Cảnh báo tình trạng nhiễm khuẩn trong chăm sóc y tế

Minh Đức, icon
10:00 ngày 29/11/2018

VTV.vn - Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ có nguy cơ tử vong cao mà còn gây tốn kém tiền bạc cho gia đình và xã hội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trên thế giới hiện nay có khoảng 59 triệu nhân viên y tế, tương đương với hơn 100 triệu bàn tay chạm vào người bệnh nhân mỗi ngày và có hơn 1,4 triệu người mắc nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.

Đặc biệt, ở các nước phát triển có 5 - 10% số bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế, còn ở các nước đang phát triển nguy cơ này cao gấp từ 2 - 20 lần.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), bàn tay chứa nhiều tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh gây dịch như viêm phổi, tay chân miệng, cúm, tiêu chảy… Thực hiện rửa tay sạch với xà phòng có thể giảm 50% các ca mắc tiêu chảy cho trẻ nhỏ, giảm 25% các ca nhiễm khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi; giảm 15% các trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và giảm nguy cơ mắc các bệnh gây dịch và gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ như tay chân miệng, cúm.

Bên cạnh đó, nhiễm khuẩn vết mổ đang đứng thứ 2 trong các loại nhiễm khuẩn bệnh viện, chiếm khoảng 15% đến 31% trong số các nhiễm khuẩn bệnh viện. Nhiễm khuẩn vết mổ xảy ra trong vòng 30 ngày sau mổ, thường xảy ra vùng da hay vùng dưới da tại đường mổ. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn vết mổ như: do vi khuẩn nội sinh, vi khuẩn từ môi trường phòng mổ, vi khuẩn từ bệnh nhân bệnh viện, ô nhiễm khuẩn kế cận từ thiết bị cấy bên trong bệnh nhân...

Tác động của nhiễm khuẩn vết mổ sẽ làm tăng gấp 2 đến 3 lần thời gian nằm viện; tăng gấp 5 khả năng bệnh nhân nhập viện lại; tăng sử dụng kháng sinh và tăng đề kháng; tăng chi phí điều trị; đặc biệt là tăng gấp 2 lần nguy cơ tử vong...

Đặc biệt nhiễm khuẩn huyết là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh. Đây đang là một vấn đề toàn cầu, do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện (từ 9 ngày đến 24,3 ngày), tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng/đợt điều trị).

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ nhỏ nhiễm khuẩn huyết, trong đó có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong vì nhiễm khuẩn huyết.

Bởi vậy, WHO đưa ra khuyến cáo: Rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và cũng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục