Chuyên gia chỉ cách phát hiện rối loạn thần kinh thực vật

Văn Thành, icon
01:36 ngày 12/02/2020

VTV.vn - Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng giữa hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Biểu hiện trên lâm sàng thường là tình trạng cường giao cảm.

Hình minh họa (Ảnh: pcrm.org).

ThS.BS Đinh Hữu Uân, Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ cho biết: Mọi hoạt động của con người đều do thần kinh chi phối. Hệ thần kinh được chia thành hai phần, đó là thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên. Thần kinh trung ương được phân chia thành 2 hai hệ: hệ thần kinh động vật và hệ thần kinh thực vật. Hai hệ này hoạt động phối hợp với nhau dưới sự chỉ huy của vỏ não.

Hệ thần kinh động vật có chức năng tiếp nhận thông tin và chi phối những hoạt động theo ý muốn của con người như đi lại, nói năng, ăn uống... Hệ thần kinh thực vật (systema nervosum vegetativum) chi phối những hoạt động tự động của cơ thể như: tiêu hóa, tuần hoàn, nội tiết, dinh dưỡng , bài tiết, sinh sản...

Chuyên gia chỉ cách phát hiện rối loạn thần kinh thực vật - Ảnh 1.

ThS.BS Đinh Hữu Uân tư vấn về điều trị rối loạn thần kinh thực vật.

Theo ThS.BS Đinh Hữu Uân, trong hệ thần kinh thực vật được chia ra làm hai phần là: hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Hai hệ này có tác dụng đối lập nhau. Hệ giao cảm làm tăng cường chức năng tự động còn hệ phó giao cảm lại làm giảm những chức năng tự động. Ví dụ khi chức năng giao cảm tăng thì gây tăng nhịp tim, nhịp thở, đi tiểu nhiều lần, ra nhiều mồ hôi... ngược lại chức phó giao cảm tăng thì làm giảm nhịp tim, nhịp thở, giảm tiểu tiện... Hai hệ giao cảm và phó giao cảm tuy có chức năng trái ngược nhau nhưng luôn luôn được điều hòa nhằm duy trì và điều khiển những hoạt động tự động của cơ thể.

Rối loạn thần kinh thực vật có nhiều tên gọi khác nhau như: rối loạn thần kinh tim, rối loạn thần kinh chức năng. Đây là sự mất cân bằng giữa hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Biểu hiện trên lâm sàng thường là tình trạng cường giao cảm.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ở những người rối loạn thần kinh thực vật có sự bất thường của thụ cảm thể GABA. Sự mất điều hòa chất dẫn truyền thần kinh serotonin cũng được tìm thấy ở bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật. Nồng độ Noradrenalin (cathecholamin) và các chất chuyển hóa của nó cũng tăng.

Triệu chứng lâm sàng của rối loạn thần kinh thực vật:

- Tim đập nhanh người bệnh có cảm giác hồi hộp. Đây là triệu chứng hay gặp nhất nên người bệnh hay đi khám ở chuyên khoa tim mạch vậy nên bệnh này còn gọi là rối loạn thần kinh tim.

- Thở nông, cảm giác hụt hơi, cảm giác nghẹn ở cổ (triệu chứng này hay gặp ở phụ nữ hơn).

- Chân tay mỏi giống như mất trương lực cơ, cầm nắm khó khăn. triệu chứng này hay xuất hiện vào buổi chiều và từng cơn.

- Có những cơn nóng bừng người hoặc nóng dọc theo xương sống, hay lạnh toát.

- Ra nhiều mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân hay phần trên của cơ thể.

- Cứng tay, run tay làm người bệnh khó viết (ở học sinh mặc dù đã chuẩn bị bài tốt nhưng vẫn thấy run trước khi thi).

- Giảm tình dục, di tinh ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.

- Cảm giác mất tự tin.

- Lo lắng quá mức, bồn chồn đứng ngồi không yên.

- Khó tập trung chú ý vào công việc.

- Dễ mệt mỏi.

- Hay cáu gắt.

- Khó đi vào giấc ngủ.

- Sợ lạnh, sợ nước, sợ gió, bàn chân, bắp chân lúc nào cũng thấy lạnh. Vì thế, vào mùa hè mặc dù trời rất nóng nhưng bệnh nhân cảm thấy rất lạnh, cảm giác mất nhiệt cơ thể, nên phải mặc nhiều quần áo, đi tất...

Với những người bị rối loạn thần kinh thực vật, theo ThS.BS Đinh Hữu Uân, người bệnh được dùng các thuốc chuyên biệt có tác dụng điều chỉnh nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trở về bình thường. Đồng thời, liệu pháp tâm lý cũng hết sức quan trọng. Người bệnh có thể thư giãn luyện tập dựa trên cơ chế tự kỉ ám thị. Tập thở kiểu yoga cũng có tác dụng điều hòa thần kinh thực vật rất tốt.

Khi được điều chỉnh các chất sinh hóa não trở về bình thường thì những triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật sẽ ổn định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục