Có hay không nguy cơ dịch chồng dịch ở Việt Nam?

Ban Thời sự, icon
07:33 ngày 10/07/2020

VTV.vn - Bạch hầu, sởi, tay chân miệng... liên tiếp xuất hiện ở nhiều nơi. Đáng lo ngại, có những bệnh tưởng như đã được "thanh toán" nhiều năm trước nay bỗng quay trở lại.

Số ca tay chân miệng tăng mạnh

Liên tục những ngày gần đây, không riêng tay chân miệng mà nhiều dịch bệnh khác cũng đồng loạt xuất hiện như sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu. Nguy cơ dịch chồng dịch liệu có thể xảy ra? Chúng ta phải chuẩn bị những gì để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, đặc biệt là cho trẻ nhỏ?

Sự chủ quan của phụ huynh là thực trạng khá phổ biến. Ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho thấy, trong số trẻ nhập viện vì tay chân miệng, phần nhiều phụ huynh không biết con mắc bệnh.

Có hay không nguy cơ dịch chồng dịch ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Số ca mắc tay chân miệng đang tăng nhanh.

Theo các bác sĩ, tuy chưa có trường hợp biến chứng nhưng hiện chưa có vaccine phòng ngừa tay chân miệng. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại bởi nhiều phụ huynh vẫn còn lờ mờ về dấu hiệu bệnh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại khoa Nhi Tiêu hóa - Dinh Dưỡng - Lây, Bệnh viện Xanh Pôn, số trẻ đến khám và được chẩn đoán mắc tính từ đầu tháng đã hơn 100 ca.

Những tháng gần đây, mỗi tuần thành phố Đà Nẵng ghi nhận 70 ca mắc tay chận miệng, tăng gấp 6-7 lần so với trước, tập trung ở trẻ từ 1 đến 4 tuổi. Riêng Khoa Y học nhiệt đới Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, những ngày này phải kê thêm giường bệnh dọc hành lang do số bệnh nhi điều trị tay chân miệng tăng cao bất thường.

Có hay không nguy cơ dịch chồng dịch ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Bạch hầu lan rộng ở khu vực Tây Nguyên

Thời điểm này, sốt xuất huyết cũng đang tăng mạnh. Bộ Y tế cho biết 12 tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần liên tục tăng cao và đã có ca tử vong, cần phải triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống. Ngoài ra, bạch hầu - một căn bệnh tưởng chừng đã "thanh toán" hết một vài năm trước nay - bất ngờ quay trở lại. Tính đến chiều 9/7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 69 ca dương tính với bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong.

Có hay không nguy cơ dịch chồng dịch ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Tây Nguyên đang là điểm nóng của dịch bạch hầu,

Tỉnh Đắk Nông hiện đang là địa phương có số trường hợp dương tính và tử vong cao nhất, với 25 ca mắc và 2 ca tử vong. 3 tỉnh còn lại đang có ca bệnh bạch hầu là Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Nguyên nhân khiến bệnh lây lan nhanh là do tiêm chủng các loại vaccine chứa thành phần bạch hầu đạt tỷ lệ thấp.

Để ngăn chặn bệnh lây lan, Bộ Y tế đã mở chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu lớn nhất từ trước đến nay. Người dân ở ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum Gia Lai sẽ được tiêm 3 mũi vaccine khác nhau để phòng tránh bệnh bạch hầu. Hiện 11 triệu liều vaccine đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiêm miễn phí cho 4,7 triệu người dân ở Tây Nguyên.

Gia Lai: Cách ly một làng để phòng chống bệnh bạch hầu Gia Lai: Cách ly một làng để phòng chống bệnh bạch hầu Bạch hầu bùng phát ở Đăk Nông: Nhiều người không biết bệnh bạch hầu là gì Bạch hầu bùng phát ở Đăk Nông: Nhiều người không biết bệnh bạch hầu là gì Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng Hà Nội ghi nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục